Nhà xuất bản Kim Đồng điểm lại 10 cuốn sách nổi bật nhất trong năm qua của các tác giả Việt ở nhiều thể loại văn học, sách tranh cho lứa tuổi mầm non, sách kiến thức kỹ năng, truyện tranh hiện đại. Những cuốn sách tiêu biểu này cũng mở ra những hướng đi mới trong việc khai thác các đề tài cho thiếu nhi.
Cuốn “Cá Linh đi học” của tác giả Lê Quang Trạng. (Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng) |
Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, năm 2023, ở mảng sách văn học, các tác giả trong nước chiếm ưu thế với đề tài rất đa dạng từ truyện sinh hoạt học đường, gia đình đến phiêu lưu giả tưởng.
Còn ở mảng sách kiến thức, khoa học, nhiều ấn phẩm mang tính thời sự, đề cập đến nhiều vấn đề đang được xã hội quan tâm, chủ đề phong phú trải rộng nhiều lĩnh vực: khoa học thường thức, kỹ năng, kiến thức địa lý, lịch sử, văn hóa nghệ thuật, triết học, truyền cảm hứng, sách kiến thức về tài chính-tiền tệ.
Mảng sách tranh năm qua cũng có nhiều thành công với nhiều tác phẩm được bạn đọc đón nhận. Thậm chí, một số ấn phẩm sách tranh trong nước đã được giới thiệu tại các hội sách quốc tế, góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế giới. Truyện tranh hiện đại (comic) năm 2023 cũng được các họa sĩ Việt Nam khai thác ở nhiều mảng đề tài phong phú, từ truyện tranh giả tưởng, cho đến truyện tranh truyền tải kiến thức kỹ năng.
Trong số hàng trăm ấn phẩm mà Kim Đồng đã xuất bản, 10 tựa sách sau đây được lựa chọn là các tựa sách nổi bật năm 2023:
1. “Những miền lưu dấu – Cảnh Việt trong văn chương”
Ấn phẩm artbook này là sự kết hợp ấn tượng giữa văn chương và hội họa, gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn nổi bật của văn học Việt Nam và những bức tranh giàu mĩ cảm của các họa sĩ hiện đại.
Đây là ấn phẩm duy nhất của Việt Nam được lựa chọn trong danh mục 200 cuốn sách đáng chú ý nhất năm 2023 dành cho thanh thiếu nhi – The White Ravens.
2. “Mật hiệu OGO” (6 tập)
Bộ truyện thiếu nhi gồm 6 tập của nhà văn Kiều Bích Hương viết từ chính những trải nghiệm của mình. Câu chuyện kể về cậu bé Kobe và gia đình cậu, bố là người Bỉ, mẹ là người Việt Nam, chị gái Kate cùng cha khác mẹ và cô em gái Kim thông minh nhưng “chậm tiến” – một gia đình bình thường mà sự khác biệt về ngôn ngữ, màu da, văn hóa, tuổi tác, không ngăn cản được tình yêu họ dành cho nhau, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 và chẳng ngại ngần dang rộng vòng tay đón nhận những người tị nạn chiến tranh đến từ Ukraina… Đó là câu chuyện về tình yêu trong những lớp vỏ bọc đời thường, giản dị mà cảm động.
Nhà văn Hồ Anh Thái chia sẻ: “Trong Mật hiệu OGO, chị nhập vai một chú bé tuổi lên mười. Giọng kể của chú bé đúng là giọng trẻ con, không phải là sự uốn giọng bi bô ngọng nghịu giả vờ làm trẻ con mà ta hay thấy ở sách thiếu nhi. Thảng hoặc Kiều Bích Hương pha vào đó đôi chút ngôn ngữ mạng và biệt ngữ của trẻ con. Người lớn đọc cũng bị cái giọng trẻ con này cuốn hút qua sáu tập sách có minh họa dí dỏm của họa sĩ Kim Duẩn.”
3. “Cá Linh đi học”
Hằng năm, từ Biển Hồ mênh mông, từng đàn cá linh non sẽ bắt đầu cuộc du thủy về hạ lưu. Đó là chuyến phiêu lưu để học hỏi và khôn lớn. Khi đã trưởng thành, các chú cá linh lại từ giã đồng ruộng hạ lưu, ra sông để trở về quê hương Biển Hồ.
Suốt hàng nghìn năm qua, bất kể thời tiết, dòng chảy có thay đổi, nhà cá linh vẫn luôn đúng hẹn. “Cá Linh đi học” kể về một chuyến du thủy về hạ lưu của chú cá có tên Linh Ống. Biết bao chông gai, biết bao trở ngại, để rồi khi tốt nghiệp trở về quê hương, chú cá linh non ngày nào đã trưởng thành, hiểu biết, mạnh mẽ và giàu yêu thương.
Với vốn hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên, tập tục văn hóa miền sông nước, ngôn ngữ, cách kể chuyện và xây dựng nhân vật sống động, lồng ghép khéo léo các triết lý nhân sinh, nhà văn Lê Quang Trạng đã tạo nên một tác phẩm văn học thiếu nhi vừa thú vị, vừa sâu sắc, để vừa cuốn được độc giả vào câu chuyện vừa đọng lại dư âm.
Truyện dài “Cá Linh đi học” vừa được trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2023, hạng mục Văn học Thiếu nhi.
4. “Những khán giả ngồi trong bóng tối”
Bạn là người yêu quý các nhân vật quen thuộc trong văn học Việt Nam? Hãy đồng hành với các nhân vật ấy qua ngòi bút sắc sảo, hiện đại của nhà văn Hiền Trang cùng góc nhìn ấn tượng của họa sĩ Tất Sỹ, trên hành trình mang tên “nghệ thuật phái sinh”.
Với Hiền Trang, một tác giả trẻ có nhiều thử nghiệm mới, thì văn chương có sẵn một ngăn kéo nguyên liệu khổng lồ cho những sáng tạo phái sinh. Ngay cả những bậc thầy kể chuyện đôi khi cũng lấy ra từ đó thành phẩm có sẵn để tiếp tục đục đẽo. Chẳng hạn, Franz Kafka viết Sự thật về Sancho Panza với các nhân vật bất tử của Cervantes. Hay Odysseus, Penelope, Telemachus, Circe, Achilles của Homer từ gần ba nghìn năm trước vẫn liên tục được Margaret Atwood, Louis Glück, Madeline Miller – những tác giả của thế kỷ 21 đưa vào hơi thở của thời hiện đại.
Đó cũng là lý do cho sự ra đời của “Những khán giả ngồi trong bóng tối” – với những nhân vật quen thuộc của văn học Việt Nam, hiện ra dưới diện mạo mới, góc nhìn mới cùng những suy tư mới.
5. “Ba tớ là Runner”
Tác phẩm mới nhất của tác giả Bùi Phương Tâm (“Đúng là Tết”, “Bỏ điện thoại xuống nào”) cùng hoạ sĩ Jeet Dzũng (Chang hoang dã) mang tới cho bạn đọc nhỏ tuổi câu chuyện về một người cha – một người chạy, chất chứa trong đó là những suy nghĩ của tác giả Bùi Phương Tâm “về mục đích và những giá trị trong cuộc sống, về sự lựa chọn – giữa ‘tôi’ hay ‘chúng ta’, con đường hay đích đến, đam mê hay danh vọng, cạnh tranh hay đồng hành.”
Sách được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành song song các phiên bản bìa cứng và bìa mềm với ngôn ngữ tiếng Việt “Ba tớ là Runner” và tiếng Anh “My dad is a Runner”.
6. “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”
Cuốn tranh truyện bán hư cấu về hành trình tạo ra chữ Quốc ngữ dựa trên ký tự Latinh qua lời kể và cuộc đời thăng trầm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Tác giả cuốn sách – Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly đã chắt lọc những thông tin ngắn gọn súc túc nhất từ luận án Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt (1615-1919) của cô bảo vệ tại Đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018, và kể lại theo ngôn ngữ văn chương dành cho trẻ em.
Hình minh họa trầm ấm và hoài cổ qua những bức tranh màu nước công phu của họa sĩ Tạ Huy Long, tái hiện bối cảnh Việt Nam thế kỷ 17, với không gian nhiệt đới và những xung đột Đàng Trong – Đàng Ngoài.
Chia sẻ về việc lựa chọn bối cảnh, màu sắc cho tác phẩm, họa sĩ Tạ Huy Long viết: “Màu sắc – với tôi là cảm xúc của câu chuyện, không hẳn nương theo những gì thực tế mô tả. Tôi đã rất cân nhắc khi chọn hai màu và chỉ hai màu thôi với sắc độ đậm nhạt từ chúng. Màu xanh cây già – màu của cây lá nhiệt đới, của áo thầy tu bạc màu. Màu nâu sepia – màu của đất đai màu mỡ và da người cháy nắng. Đơn giản như vậy!”
7. “Triết lý về con người” (4 cuốn)
Bộ sách gồm 4 cuốn: Con người và thiên nhiên, Về vấn đề nhận thức, Quan điểm về đạo đức, Hạnh phúc và bản tính con người. Đây là tuyển tập những bài viết trong thời gian nghiên cứu và giảng dạy môn triết học của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Đễ – một người con gốc Huế, giảng viên Triết học tại Đại học Moncton, Đại học Laval, Đại học Ottawa, Đại học Trois-Rivières (Canada).
Bộ sách không chỉ khái quát các vấn đề về con người, nhận thức và đạo đức theo quan điểm của các triết gia Đông-Tây, mà còn đưa ra một số kiến giải sâu sắc, đúc rút từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, quan niệm dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ sách còn gây ấn tượng với những hình minh họa độc đáo, giàu sự liên tưởng và đậm chất triết học.
8. “39 đoản thiền để thấy”
Tập sách là những đoản văn, ghi lại cảm nhận của tác giả bằng con mắt thiền, “39 đoản thiền để thấy” tập hợp những suy tư tưởng chừng vụn vặt, nhưng đầy sâu lắng về cuộc đời và con người của tác giả Phan Đăng.
Tựa như một nốt lặng đầy suy tư trong bộn bề cuộc sống hiện đại, tác giả Phan Đăng đã gửi vào cuốn sách những gợi mở sâu sắc để giúp người đọc tập trung hơn vào hiện tại, trân trọng từng khoảnh khắc của đời sống.
9. “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền”
Đây là cuốn truyện tranh kiến thức tài chính, ngân hàng đầu tiên cho gia đình Việt được thể hiện dưới hình thức truyện tranh độc đáo, sáng tạo của tác giả Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước.
Những trang minh họa của “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền”. |
Cuốn sách trở thành hiện tượng xuất bản với số lượng in lần đầu lên tới 25.000 bản. Sách sử dụng nhiều câu ca dao, tục ngữ để những kiến thức về kinh tế, ngân hàng dễ tiếp cận hơn với bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi.
10. Bí ẩn Ozon (series)
“Bí ẩn Ozon” là dự án được nhóm tác giả gồm kiến trúc sư Tuấn Anh, bình luận viên thể thao Anh Quân và đội ngũ họa sĩ của Taqua Group ấp ủ hơn 15 năm qua. Nhóm tác giả mong muốn mang tới một series truyện tranh Việt hội tụ những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của một tác phẩm truyện tranh comic thuộc dòng Fantasy.
Nhóm tác giả “Bí ẩn Ozon” trong buổi ra mắt sách. |
Bộ truyện xoay quanh cuộc chiến chống lại vùng đất tối của vương quốc pháp thuật Zendy, với nhân vật chính là 5 bạn nhỏ hội tụ đủ các tính cách của trẻ em hiện nay.
Đón nhận những góp ý, xây dựng từ bạn đọc sau lần trình làng đầu tiên, cùng với mong muốn mang đến một bộ truyện hoàn thiện hơn, Taqua Group quyết định hợp tác với Nhà xuất bản Kim Đồng để “tái sinh” bộ truyện “Bí ẩn Ozon” với một sức sống mới.
“Bí ẩn Ozon” được kỳ vọng sẽ là một trong những series đóng góp cho sự phát triển của mảng truyện tranh Việt Nam, thông qua đó tạo nhiều cảm hứng, động lực cho các họa sĩ có đam mê, có ý tưởng và quyết tâm theo đuổi con đường này.
Nguồn:https://nhandan.vn/10-cuon-sach-noi-bat-nam-2023-cua-nha-xuat-ban-kim-dong-post790076.html