Lạng Sơn là tỉnh miền núi có gần 18.000 cán bộ là người DTTS, chiếm gần 80% tổng số cán bộ toàn tỉnh. Trong số đội ngũ cán bộ người DTTS chủ yếu là người dân tộc Nùng, Tày, số còn lại là dân tộc Dao, Sán Chay, Hoa…
Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nhận thức tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng. Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án, chính sách… dành cho cán bộ người DTTS. Tiêu biểu gần đây có Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 18/7/2023 của UBND tỉnh về đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp nhằm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 – 2023.
Kết quả, năm 2023, các cấp, các ngành tổ chức được 12 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi với 882 người tham gia. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch và tổ chức mở được 5 lớp cho đối tượng cộng đồng với trên 180 người tham gia; tổ chức 12 đoàn đi trao đổi, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh…
Theo đó, đã có nhiều giải pháp thiết thực được triển khai như: Tuyên truyền, tập huấn, thực hiện chính sách đối với cán bộ người DTTS trong công tác tuyển dụng; thu hút đội ngũ có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi về công tác tại địa bàn khó khăn có đông đồng bào DTTS; quy hoạch, bố trí, sử dụng, đãi ngộ và luân chuyển, tăng cường cán bộ lãnh đạo quản lý là người DTTS hoặc cán bộ đến công tác tại vùng khó khăn có đông đồng bào DTTS…
Kết quả, năm 2023, các cấp, các ngành tổ chức được 12 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi với 882 người tham gia. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch và tổ chức mở được 5 lớp cho đối tượng cộng đồng với trên 180 người tham gia; tổ chức 12 đoàn đi trao đổi, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh…
Chị Nông Thị Thảo, dân tộc Tày, công chức văn hoá – xã hội tại UBND xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng là một trong những ví dụ điển hình. Được Đảng ủy, UBND xã quan tâm, chị Thảo được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, chị còn được tạo điều kiện đi học đại học tại chức ngành Công tác xã hội và tốt nghiệp năm 2018. Sau gần 15 năm công tác, thành quả chị gặt hái được chính là sự ghi nhận, đánh giá, động viên, khen thưởng của các ngành, các cấp; hoạt động an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Chị Thảo cho biết: “Sau khi được bổ sung kiến thức về mọi mặt, tôi có thể vận dụng vào giải quyết công tác chuyên môn và xử lý tốt những vấn đề phát sinh ở xã”.
Cùng với chị Thảo, xã Hoàng Việt còn có nhiều cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, toàn xã có 100% cán bộ, công chức là người DTTS, trong đó có 14/19 cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị, tăng trên 10% so với năm 2020; có 18/19 cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học.
Không riêng xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, mà tại các địa bàn khác trong tỉnh, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, các cơ quan, đơn vị tại địa phương đã dành nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án để đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ vùng DTTS.
Cùng với đó, các cấp, các ngành trong tỉnh còn quan tâm thực hiện một số chính sách khác như công tác tuyển dụng, thu hút đội ngũ cán bộ người DTTS có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi về công tác tại địa bàn khó khăn có đông đồng bào DTTS; quy hoạch, bố trí, sử dụng, đãi ngộ và luân chuyển, tăng cường cán bộ lãnh đạo quản lý là người DTTS hoặc cán bộ đến công tác tại vùng khó khăn có đông đồng bào DTTS. Cụ thể, trung bình mỗi năm, tỉnh Lạng Sơn đã thu hút, luân chuyển, điều động khoảng 2.000 lượt cán bộ đến công tác ở vùng có đông đồng bào DTTS.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để góp phần nâng cao hiệu quả công việc, xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng phát triển.
Nguồn: https://baodantoc.vn/lang-son-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-dan-toc-thieu-so-1725388551271.htm