Làng rèn Đa Sỹ – điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế

Báo Đô thịBáo Đô thị17/02/2025


Không khí tại đây luôn sôi động, với những nhịp búa đập rộn ràng và tiếng kim loại vang vọng không ngừng, tạo nên một không gian lao động hối hả nhưng cũng đầy tính nghệ thuật.

Du khách nước ngoài trải nghiệm các công đoạn làm dao tại làng rèn Đa Sỹ dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. 

Anh Simon Vandromme, một du khách người Pháp, không giấu nổi sự háo hức khi được tham gia vào quy trình chế tác dao tại làng rèn Đa Sỹ. Tay đeo găng bảo hộ, anh cẩn thận dùng kẹp để lấy dao ra khỏi lò nung và đưa vào máy dập, Simon cho biết đây là lần đầu tiên anh tham gia trải nghiệm tại một làng rèn ở nước ngoài. “Tôi cảm nhận rõ sự nhiệt huyết của những người thợ rèn Đa Sỹ, sự tỉ mỉ và khéo léo trong từng nhát búa, tạo nên một không gian rất đặc biệt. Đây thực sự là một trải nghiệm độc đáo,” anh chia sẻ.

Anh Simon Vandromme trải nghiệm công đoạn rèn dao tại lò rèn. Ảnh: Huy Hoàng/Khánh Vân
Anh Simon Vandromme trải nghiệm công đoạn rèn dao tại lò rèn. Ảnh: Huy Hoàng/Khánh Vân

Simon cho biết anh là một thợ rèn móng ngựa tại Pháp. Dù đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề, anh vẫn rất háo hức được học hỏi và thử sức với các kỹ thuật rèn sắt của Việt Nam.

Anh Simon chỉ là một trong rất nhiều du khách quốc tế đến trải nghiệm tại làng nghề Đa Sỹ khi đặt chân đến Hà Nội. Với họ, chuyến đi không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngưỡng các sản phẩm rèn tinh xảo, mà còn là cơ hội để tham gia trực tiếp vào quy trình tạo ra những sản phẩm truyền thống, qua đó tìm hiểu thêm về con người và văn hoá đặc thù của địa phương.

Trong xưởng rèn, những tiếng búa đập đều đặn, những tia lửa bắn lên như pháo hoa, những miếng sắt nóng đỏ được thợ rèn dồn sức uốn nắn, tạo thành những sản phẩm sắc bén. Simon không chỉ quan sát mà còn tham gia trực tiếp vào các công đoạn như bấm, nung, uốn sắt, thổi hồn vào từng sản phẩm. “Tôi được trải nghiệm trong một không gian tràn ngập ánh sáng, tạo cảm hứng sáng tạo, giúp bản thân có một kỷ niệm không thể quên,” anh Simon cho biết.

Khám phá nghề rèn tại Đa Sỹ

Làng nghề rèn dao kéo Đa Sỹ là một điểm đến nổi tiếng về nghề rèn dao kéo thủ công truyền thống, hiện nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Ngôi làng “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long nằm cách trung tâm thủ đô hơn 10km, thuận tiện cho du khách di chuyển tới bằng ô tô, xe máy hoặc xe buýt.

Trải qua hơn 500 năm lịch sử, làng Đa Sỹ vẫn giữ được những nét đẹp đặc trưng của làng xã Việt Nam. Tại đây vẫn còn những ngôi đình, chùa với lối kiến trúc truyền thống, là nơi thờ các ông tổ nghề của làng và cũng là nơi diễn ra các lễ, hội xuân đầu năm mới. Các xưởng rèn nối đuôi nhau hai bên đường dẫn vào làng, tiếng đe, tiếng búa, tiếng mài vang vọng trong không gian, gây tò mò cho mỗi khách đi qua. Chỉ cần nhìn vào trong, ta sẽ được chứng kiến khung cảnh những người thợ lành nghề ngày đêm miệt mài, tạo ra những sản phẩm sắc bén từ những thanh sắt tưởng như vô tri.

Bồi hồi nhớ lại thời điểm cách đầy tầm 30 năm khi còn là một cậu bé, anh Lê Ngọc Lâm, chủ xưởng rèn Lê Lâm, với truyền thống gia đình 5 đời làm nghề, cho biết nghề rèn dao kéo Đa Sỹ trải qua nhiều thăng trầm cùng với sự phát triển của đất nước, nhiều gia đình nơi đây đã bỏ nghề vì không thể mưu sinh, một số ít còn lại tiếp tục bươn chải, tìm lối đi riêng để duy trì nghề.

Anh Lâm chia sẻ rằng, sau nhiều năm làm giám đốc một công ty xây dựng, anh đã quyết định quay lại với nghề, “Nghề rèn không chỉ là công việc mưu sinh, mà là nghệ thuật, là giá trị văn hóa mà chúng tôi muốn gìn giữ và phát triển. Tôi mong muốn rằng thế hệ mai sau sẽ hiểu và tự hào về truyền thống của cha ông.”

“Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng tôi giờ đây đã có máy móc thay thế sức người, thay đổi mẫu mã với nhiều chủng loại khác nhau. Chất lượng tốt chính là chìa khoá giúp chúng tôi, những người con của làng Đa Sỹ, không những duy trì làng nghề truyền thống mà còn tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống,” anh Lâm nói.

Anh Lâm cho biết việc kết hợp giữa nghề truyền thống và du lịch là một hướng đi mới mẻ, không chỉ quảng bá văn hoá làng nghề Việt Nam mà còn mang lại cho du khách một trải nghiệm trọn vẹn, khác biệt.

"Chúng tôi muốn không chỉ giữ gìn nghề rèn truyền thống mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về quá trình tạo ra những sản phẩm thủ công đặc biệt. Vào những dịp lễ Tết, lượng khách quốc tế tới tham gia trải nghiệm rất đông. Mọi người đều rất thích thú khi được cầm búa và tham gia vào công đoạn rèn dao," anh Lâm cho biết

Không chỉ thu hút du khách quốc tế, làng nghề Đa Sỹ còn trở thành điểm đến yêu thích của những ai muốn khám phá văn hóa nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Năm 2024, xưởng rèn Lê Lâm đã thành công thu hút hơn 500 lượt khách từ trong lẫn ngoài nước, thuộc mọi lứa tuổi.

Anh Lâm hướng dẫn đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình trải nghiệm làm dao. 
Anh Lâm hướng dẫn đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình trải nghiệm làm dao. 

“Tôi đang ở những bước đầu quảng bá văn hoá làng nghề Đa Sỹ như một điểm đến của khách du lịch. Con số du khách vẫn còn khiêm tốn, nhưng tôi tin với những nét đặc sắc nghề rèn dao kéo được cha truyền con nối, cùng những trải nghiệm thú vị dành cho du khách, Đa sỹ sẽ là một điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lại,” anh Lâm cho biết.

Giữa lòng Hà Nội, Đa Sỹ không chỉ là nơi sản sinh ra những sản phẩm rèn chất lượng mà còn là điểm đến lý tưởng để du khách tìm về với những giá trị văn hóa đặc sắc. Với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, làng nghề Đa Sỹ đang trở thành một hình mẫu về phát triển du lịch cộng đồng, nơi mọi người đều có thể trải nghiệm, học hỏi và cảm nhận tinh hoa văn hóa của nghề rèn.

Bảo tồn và phát triển – Hành trình không ngừng nghỉ

Nghề rèn Đa Sỹ, với bề dày lịch sử, không chỉ là một nghề truyền thống của làng mà còn là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của cộng đồng nơi đây. Dù có nhiều thách thức trong quá trình phát triển, nhưng với sự nỗ lực và sáng tạo của các thợ rèn, nghề rèn Đa Sỹ vẫn vững vàng giữ lửa nghề, đồng thời góp phần tạo dựng một điểm đến trải nghiệm độc đáo cho du khách trong và ngoài nước. Các làng nghề du lịch truyền thống chính là chìa khóa để bạn bè quốc tế tìm hiểu và kết nối với các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Chị Maud, em gái của anh Simon, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết: “Việc khám phá các làng nghề thủ công rất quan trọng đối với tôi. Đó là những giá trị văn hóa sâu sắc của Hà Nội mà tôi muốn giới thiệu cho gia đình. Đặc biệt, làng nghề Đa Sỹ đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về nét đẹp của nghề rèn truyền thống."

Một gia đình nước ngoài thích thú với sản phẩm của làng Đa Sỹ. 
Một gia đình nước ngoài thích thú với sản phẩm của làng Đa Sỹ. 

Anh Lâm hy vọng rằng qua những trải nghiệm thực tế này, khách du lịch sẽ không chỉ yêu mến nghề rèn Đa Sỹ mà còn góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, đưa làng nghề rèn Đa Sỹ trở thành một điểm sáng trong bản đồ du lịch của Hà Nội.

Chính sự tận tâm của các thợ rèn như anh Lâm đã mang lại cho du khách không chỉ những món quà đặc biệt mà còn là những bài học quý giá về nghề thủ công truyền thống. Dưới sự hướng dẫn tận tình của anh Lâm, Simon đã tự tay tạo ra một con dao sắc bén, và không ngừng cảm nhận sự kỳ diệu trong từng bước làm nghề. Ánh mắt anh đầy vui sướng và hạnh phúc khi chiêm ngưỡng thành phẩm mình vất vả làm ra sau 2 tiếng vất vả miệt mài. Trải nghiệm “có một không hai” tại làng Đa Sỹ không chỉ là cơ hội hiếm có để Simon tự mình trải nghiệm kỹ thuật rèn Việt Nam mà còn là cơ hội để giao lưu, tìm hiểu văn hóa địa phương.



Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lang-ren-da-sy-diem-den-hap-dan-du-khach-quoc-te.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available