Làng Quất động nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, được khai sinh bởi ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. Nghề thêu đã có từ rất lâu đời, bắt nguồn cùng với sự hình thành và phát triển của làng từ xưa đến nay.
Làng nghề thêu Quất Động thuộc xã Quất Động, nằm ở bên trái quốc lộ I (theo hướng đi từ Hà Nội), thuộc huyện Thường tín – Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Làng nghề thêu Quất Động có vị trí trung tâm của xã Quất Động, có quy mô diện tích khoảng 50ha, trong đó diện tích đất ở khoảng 17ha, còn lại là đất nông nghiệp. Đây được xác định là làng nghề thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thời Nguyễn, xã Quất Động là một trong chín xã thuộc Tổng Bình Lăng Phú, Thường Tín trấn, Sơn Nam Thượng. Làng Quất Động là một làng lớn với dân số chiếm 2/3 dân số toàn xã. Xã Quất Động có nhiều thôn, xóm làm nghề thêu, nhưng được coi là gốc của nghề thêu tay người ta thường nhắc đến làng Quất Động. Bởi theo ghi chép ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của 3 miền Bắc Trung Nam là tiến sỹ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Khái, sống ở thế kỷ 17 tại làng Quất Động.
Xã Quất Động hiện có 8 thôn: Quất Động (Quất Động 1 và Quẩt Động 2), Quất Lâm, Quất Tỉnh, Đức trạch, Đô Quan, Nguyên Bì, Hướng Xá, Liêu Xá.
Ở nước ta thời vua Hùng người Lạc Việt đã biết “mặc áo chui đầu, cài khuy bên trái, các cô gái mặc váy áo thêu”. Sử sách cũ còn ghi: Đời Trần vua quan nước ta đã dùng lọng và đồ thêu. Như vậy nghề thêu đã có ở nước ta từ rất sớm nhưng rất tiếc không được ghi chép đầy đủ.
Giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1918, sách “Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam” của Vũ Huy Phúc có viết: “Ở Hà Đông nghề xếp đầu tiên là nghề thêu” và nhắc lại nguồn gốc nghề có từ thời Lê do Lê Công Hành dậy dân vùng Quất Động.
Vào năm 1939 theo thống kê số thợ thủ công Việt Nam của Bulletin, cả Bắc Kỳ khi đó có 2315 thợ thêu tập trung ở 4 vùng lớn ứng với tứ trấn quanh Hà Nội xưa. Trong đó số ít cũng có quá nửa là thợ Hà Đông tập trung ở vùng Quất Động. Có thể đây là thời cực thịnh của nghề thêu trong toàn xứ nói chung và vùng Quất Động nói riêng.
Thời nghề thêu phát triển rầm rộ nhất (1972 – 1986) riêng ở huyện Thường Tín vốn là quê gốc nghề thêu nên nghề này từ Quất Động, Thắng Lợi đã được nhân rộng ra hầu khắp các xã trong huyện: Lê Lợi, Dũng Tiến, Nguyễn Trãi, Chương Dương,…
Lê Công Hành tên khai sinh là Trần Quốc Khái. Ông sinh năm Bính Ngọ (1606) tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội).
Năm Bính Tuất (1646), ông được cử đi sứ nhà Minh. Trong lần đi sứ này vô tình ông đã học được nghề thêu và ông đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động rồi sau đó phát triển rộng ra các tỉnh khác, sang cả Bắc Ninh, Hưng Yên.
Bên cạnh đó, ông cũng dạy lại cách làm lọng cho người dân. Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.
Một số tài liệu cho rằng trước khi Lê Công hành truyền dạy nghề thêu và làm lọng cho dân chúng, những nghề này đã tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên, nó phát triển nhỏ lẻ, kỹ thuật khá đơn sơ, quanh quẩn với vài màu chỉ và chủ yếu phục vụ cho vua quan.
Sử sách cũ còn ghi lại ở đời Trần, vua quan ta đã dùng đồ thêu và lọng. Năm 1289, trước năm đi sứ của Lê Công Hành khoảng hơn 350 năm, vua Trần đã gửi tặng vua Nguyễn một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu (theo Từ Minh Thiện viết trong tập Thiên nam hành ký).
Tạp chí Heritage