Làng cổ Đông Hòa Hiệp - một trong bốn làng cổ ở Việt Nam đang được cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) bảo tồn. Hằng năm, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách quốc tế đến tham quan.
Từ TP.HCM chạy theo quốc lộ 1 về miền Tây khoảng 120km, du khách sẽ đến làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp thuộc địa bàn xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Khu làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè đang được cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) bảo tồn.
Khu nhà cổ có kiến trúc độc đáo, đặc sắc, mang dấu ấn của nhiều giai đoạn lịch sử, điểm tham quan du lịch nổi tiếng khu vực miền Tây sông nước hữu tình, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước đến thưởng ngoạn dịp lễ, Tết.
Có dịp tham quan làng nhà cổ đầu năm mới, ông Phan Văn Đức (Tiền Giang) và bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (Long An), không ngớt lời trầm trồ khen khi ngôi nhà xây dựng toàn gỗ quý. Đặc biệt, chính giữa nhà có bốn cột to bằng gỗ căm xe màu đỏ đã qua nhiều năm sử dụng nên màu rất đậm, bóng.
Nhà cổ ông Ba Đức trên 175 năm.
Ngoài bộ cột, ngôi nhà còn có ba bộ tủ thờ được cẩn óc xà cừ óng ánh, bài trí theo nguyên tắc đông bình - tây quả. Trong đó, bên tay phải có chiếc hộp gỗ được cẩn hình rồng và bên trong có bản sắc phong thần được vua Tự Đức ban vào năm 1948-1860. "Tôi sống gần 80 năm, nay mới tận mắt chiêm ngưỡng những nhà cổ có niên đại trăm năm như thế này", bà Hoa thích thú tâm sự.
Theo ông Phan Quang Vinh (đời thứ 7 của chủ nhân ngôi nhà), nhà cổ này xây dựng năm 1850 (trên 175 năm), trùng tu năm 1938. Nhà được xây dựng trên mảnh đất rộng 2ha, chia thành hai phần: Nhà trên và nhà dưới, cách nhau khoảng sân - gọi là thiên tĩnh (giếng trời) - đóng vai trò cung cấp ánh sáng.
Du khách trải nghiệm khu chợ nổi cồn Tân Phong, huyện Cai Lậy vừa được phục dựng.
Chị Nguyễn Lưu Mai Thanh (48 tuổi, ngụ TP Tân An, Long An) cho biết, ngày Tết gia đình chị hay đi du lịch miền Tây, không chỉ tham quan nhà cổ Đông Hòa Hiệp, gia đình còn du xuân khu chợ nổi Cái Bè, khu du lịch cồn Thới Sơn (TP Mỹ Tho), ngắm khung cảnh tuyệt đẹp của khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, Tiền Giang...
"Tại các điểm du lịch này, các con tôi rất thích thú bởi không gian yên bình của những vườn cây trái ngọt nằm bên những dòng kênh, rạch, sông nước hiền hòa. Cùng với đó là những khu rừng thiên nhiên với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hàng trăm con chim, cò bay lượn trên bầu trời tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười", chị Thanh chia sẻ.
Nhiều đoàn khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm bên làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp.
Ông Võ Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên du lịch Việt Phong Cái Bè cho biết, khách đi du lịch đến Cái Bè đa phần tham quan làng nhà cổ, làng nghề, khu chợ nổi vừa được phục dựng tại cồn Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.
Theo ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, làng nhà cổ Đông Hòa, được xây dựng từ trước năm 1945 với khoảng 10 ngôi nhà với kiến trúc độc đáo, đặc sắc, mang dấu ấn của nhiều giai đoạn lịch sử. Đến nay, một số nhà cổ đã được trùng tu lưu giữ và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước.
Khách du lịch trong, ngoài nước thích thú sau khi tham quan nhà cổ ông Ba Đức.
Những ngôi nhà cổ này hầu như nằm dọc theo những dòng sông, kinh, rạch. Có mặt bằng rộng, xung quanh được bao bọc bởi những vườn cây ăn trái, những con mương nhỏ để tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, mùa nước nổi.
Hai ngôi nhà đầu tiên của làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp được tổ chức JICA trùng tu, bảo tồn thuộc nhà ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa), nhà ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi).
Nhiều đoàn khách quốc tế đến Tiền Giang trải nghiệm xuồng chèo trên kênh, rạch.
Năm 2017, làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp đã vinh dự đón nhận Bằng Di tích cấp Quốc gia và Bằng công nhận Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.
Hiện nay, có 9 ngôi nhà cổ có niên đại từ 150-220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80-100 năm. Trong các ngôi nhà cổ vẫn còn giữ được nhiều bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm, cho thấy một thú chơi phong lưu, tao nhã của những gia đình giàu có ở Nam Bộ xưa.
Nhiều bạn trẻ thích trải nghiệm du lịch miền Tây dịp lễ, Tết.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp, ngày càng có đông du khách đến tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm, nhất là khách quốc tế. Dịp tết Ất Tỵ năm 2025, làng nhà cổ đã đón 88 đoàn với 476 khách. Trong đó, có 83 đoàn quốc tế với 444 khách.
Trong 7 ngày nghỉ tết Ất Tỵ năm 2025, khách tham quan, du lịch đến Tiền Giang trên 183.126 lượt, tăng hơn 25% so với tết Nguyên đán 2024. Trong đó, khách quốc tế 20.052 lượt, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lang-nha-co-tien-giang-co-gi-hap-dan-du-khach-192250210143543716.htm
Bình luận (0)