Tìm đến làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa những ngày giáp Tết, chúng tôi nghe thấy những âm thanh cười nói rộn ràng, như đang báo hiệu niềm vui của người dân làng nghề trong những ngày nhộn nhịp nhất năm.
Bà Nguyễn Thị Thành cho biết, bà đã tham gia sản xuất tàu hũ ky để bán cách nay hơn 30 năm. Tuy là thế hệ đi sau nhưng công thức sản xuất cũng được học từ gia đình của “cha đẻ” món tàu hũ ky này là gia đình ông Châu Xường.
Theo bà Thành, để làm ra được tàu hũ ky có vị thơm ngon, giòn rụm, đòi hỏi những người thợ phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên trì. Trong suốt quá trình nấu, người thợ phải canh lò xuyên suốt để duy trì độ nóng của lò ở một khoảng nhất định.
Cũng theo bà Thành, sau quá trình xay nhuyễn vắt nước cốt đậu nành, tiến hành đun liên tục bằng củi. Đợi đến khi lò giảm dần độ nóng lúc đó mới xuất hiện lớp váng vớt lên làm tàu hũ ky. Trung bình mỗi mẻ nấu kéo dài từ 25 – 26 tiếng.
“Những tháng trước Tết, thường đạt từ 1,6 – 1,8 tấn, còn tháng Tết, số lượng tàu hũ ky thành phẩm tăng từ 2,4 – 2,6 tấn, lò của tôi đỏ lửa liên tục. Người làm thay ca nhau để sản xuất tàu hũ đạt chất lượng”, bà Thanh cho biết thêm.
Cũng có truyền thống làm tàu hũ ky hơn 50 năm, ông Lê Thanh Tâm cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, tôi phải tăng lên gần 20 người để thực hiện các công đoạn lựa, xay nhuyễn đậu, đun bánh, sắp bánh…”.
Bà Nguyễn Kim Mai, một là lao động tại làng nghề, cho biết: “Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến là những người lao động như chúng tôi có thu nhập từ 500 – 600 ngàn đồng/ngày, tăng gấp đôi so với ngày thường, do có tăng ca để sản xuất đủ tàu hũ ky giao đến khách hàng”.
Ông Đinh Công Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất tàu hũ ky xã Mỹ Hòa cho biết, làng nghề được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 4.2023, đây là niềm vinh dự, tự hào của những người làm nghề nơi đây.
Theo ông Hoàng, qua việc công nhận làng nghề sẽ được nhiều người biết đến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường… Hiện tại, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa còn khoảng gần 33 hộ, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương.
Cũng theo ông Hoàng, trung bình mỗi ngày nơi đây sản xuất khoảng 2 tấn tàu hũ ky, riêng dịp Tết mỗi ngày làng nghề cho ra khoảng 4 tấn tàu hũ ky thành phẩm. Sản phẩm tàu hũ ky hiện nay được nhiều khách hàng tại ĐBSCL và nhiều khu vực trong cả nước ưa chuộng.
“Qua hơn trăm năm hình thành và phát triển, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Tin rằng, trong tương lai, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa sẽ ngày càng phát triển và trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân và kinh tế địa phương”, ông Hoàng cho biết thêm.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa khởi đầu vào khoảng năm 1912, do gia đình ông Châu Xường lập nghiệp bằng nghề làm tàu hũ ky gia truyền. Ban đầu, nghề này chỉ được truyền trong dòng họ, sau đó người dân trong vùng cảm thấy yêu thích món ăn này nên đến xin được truyền nghề. Lâu dần, số người làm tàu hũ ky tăng lên rồi hình thành nên một làng nghề khá đông đúc.