Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật Nhà giáo ngày 8/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách miễn học phí đối với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội và chính nhà giáo với nhiều quan điểm khác nhau.
Cô giáo Phạm Ánh Tuyết (giảng viên Trường Cao đẳng Thủy lợi, Phủ Lý, Hà Nam) cho rằng, nếu chính sách này có hiệu lực thì gia đình cô sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn vì 3 người con đều đang học phổ thông, chặng đường nuôi dưỡng các con còn rất dài. Tuy nhiên, nhìn xung quanh, cô Tuyết cho rằng còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn hơn gia đình mình cần được giúp đỡ. “Dù chính sách này rất nhân văn, giúp nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề hơn nhưng đặt trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, việc tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên vẫn cấp bách hơn. Còn việc miễn học phí, trước hết có thể áp dụng với những gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên công tác ở vùng sâu vùng xa nhiều thiệt thòi” – cô Tuyết chia sẻ.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), chính sách này nếu được thực hiện sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Đơn cử, giữa các nhà giáo đang công tác ở cơ sở giáo dục công lập và giáo dục tư thục sẽ có phân biệt khác nhau, điều này có vô lý không khi chúng ta đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục? Ông Vinh cũng bày tỏ băn khoăn đối với những nhà giáo về hưu nay đi thỉnh giảng có thuộc diện ưu tiên không, hay con nhà giáo học liên thông suốt đời thì có được miễn phí hay không? Mức học phí phổ thông trường công lập không lớn nhưng nếu là ở cấp đại học, cao đẳng… thì sẽ là một con số tương đối bởi xu hướng tự chủ đại học của các trường hiện nay. “Đây là một chính sách rất khó thực hiện. Ban soạn thảo liệu đã đánh giá tác động của chính sách này trên các bình diện chính trị, kinh tế, công bằng, bình đẳng với các nghề khác, với các nhóm đối tượng khác?” – TS Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ.
Trên thực tế, học phí trong tổng thể các khoản phụ huynh phải đóng góp trong một năm học không phải là một con số lớn. Thậm chí, trong nhiều vụ lạm thu đã được phản ánh thời gian qua, học phí trường công lập ở bậc phổ thông chỉ hơn 200.000 đồng nhưng quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh thu 1 học kỳ lại lên tới hơn 5 triệu đồng, khiến phụ huynh “sốc”.
Cũng liên quan đến chính sách miễn học phí, nhiều địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… hiện nay đã triển khai miễn, giảm học phí cho toàn bộ học sinh của địa phương mình. TPHCM mới đây cũng quyết định miễn học phí từ năm học 2024-2025 cho trẻ mầm non 5 tuổi. Học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026. Nhiều ý kiến mong muốn thay vì đề xuất miễn học phí cho riêng con giáo viên, cần tính toán lộ trình để từng bước miễn giảm học phí cho học sinh phổ thông để đảm bảo công bằng, tạo cơ hội đến trường cho mọi học sinh dù ở đâu, hoàn cảnh gia đình ra sao.
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho hay, việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù. Ví dụ: Chế độ bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã được quy định tại Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia ngoài các quy định về chính sách đối với nhà giáo còn quy định các chính sách ưu đãi cho thân nhân của nhà giáo.
Với quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó sẽ một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo để thu hút người giỏi vào ngành, Ban soạn thảo đã đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo nhằm tạo điều kiện để nhà giáo có cuộc sống tốt hơn, yên tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
Trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT luôn luôn cầu thị, nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện của các đại biểu Quốc hội, của các nhà giáo, cử tri và nhân dân cả nước để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ. Vì vậy, với nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, hiện nay, Bộ đang tổng hợp các ý kiến, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động các quy định theo hướng đảm bảo tính khả thi, đảm bảo mối tương quan với các ngành nghề khác và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước để chỉnh sửa trong dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Với nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, hiện nay, Bộ GDĐT đang tổng hợp các ý kiến, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động các quy định theo hướng đảm bảo tính khả thi, đảm bảo mối tương quan với các ngành nghề khác và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước để chỉnh sửa trong dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Nguồn: https://daidoanket.vn/de-xuat-mien-hoc-phi-cho-con-nha-giao-lang-nghe-tao-dong-thuan-10292216.html