Nằm giữa hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang, Vĩnh Long được thiên nhiên ưu ái ban tặng mỏ đất sét quý giá. Người dân đất “Vĩnh” đã tận dụng nguồn tài nguyên ban tặng ấy tạo dựng nên làng nghề làm gạch gốm lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Nhân gian thường gọi đây là “Vương quốc đỏ” hay “Vương quốc gạch gốm”.
Nhìn từ trên cao: Sắc màu ‘vương quốc gạch gốm’ Vĩnh Long. Với nhiều lò gạch ven rạch Thầy Cai và sông Cổ Chiên, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, được mệnh danh là “vương quốc gạch gốm” hay “vương quốc đỏ”. Hình ảnh những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ trên cao như một vương quốc với các “tòa lâu đài” nhỏ đầy sắc màu. Đó chính là bộ ảnh ” Làng nghề làm gạch gốm ở Vương quốc Đỏ” mà tác giả Nguyễn Đặng Việt Cường gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Theo chia sẻ của một chủ cơ sở tại ấp Phú Hòa (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), ban đầu khi mới hình thành, mỏ đất sét nguyên liệu được người dân khai thác dưới sông để đưa vào sản xuất gạch ngói. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng đất sét không đủ để cung cấp nên ngày nay các cơ sở làm gạch truyền thống thường mua lại đất sét từ những địa phương khác.
Lượng đất sét sau khi vận chuyển về cơ sở sẽ được người dân cắt thành khối, cho lên dây chuyền vận chuyển đến máy nghiền đất. Mỗi ngày, người chịu trách nhiệm làm khâu này sẽ cho lên máy khoảng 10.000 khối đất.
Những viên gạch được xếp ngay ngắn dưới nắng khoảng 5 ngày để giảm độ ẩm và tăng độ cứng, không bị biến dạng trước khi vào lò. Những người làm gạch cho biết, trong dây chuyền sản xuất gạch, đây là chiếc máy nguy hiểm nhất. Do đó, người tham gia sản xuất tại làng gạch ngói đều hạn chế đến khu vực này và luôn theo sát để nhắc nhở khách du lịch để đảm bảo an toàn. Sau khi nghiền nhuyễn, dây chuyền sẽ đóng khuôn gạch ngói, in hoa văn và bắt đầu công đoạn cắt gạch thô. Đây là công đoạn được đánh giá là khó nhất đối với nghề làm gạch truyền thống. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm gạch để tránh làm biến dạng khối gạch vừa được đóng khuôn. Sau khi được xếp lượng gạch vừa đủ, người thợ sẽ vận chuyển đến khu vực phơi. Những viên gạch được xếp ngay ngắn dưới nắng khoảng 5 ngày để giảm độ ẩm và tăng độ cứng, không bị biến dạng trước khi vào lò.
Công đoạn chuẩn bị trấu làm vật liệu trong quy trình đốt lò nung gạch.
Điều độc đáo là các cơ sở sản xuất gạch gốm Mang Thít vẫn sử dụng loại lò nung truyền thống là lò bầu, mỗi lò nung cao từ 5 – 12m, hình tháp tròn, sử dụng nguyên liệu vỏ trấu, tạo nên quần thể kiến trúc đặc sắc với những lò tháp nhấp nhô.
Một mẻ gạch gốm ra lò. Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất cẩn trọng. Để đảm bảo gạch ‘chín’ vừa đúng, mỗi lò chứa khoảng 15.000 viên, nung trong 20 ngày thì ra thành phẩm. Sau khi nung, thành phẩm thu được là những viên gạch đỏ au đúng chuẩn.
Cận cảnh 1 ghe thành phẩm gạch ống “đỏ au” đang chờ vận chuyển đến các địa phương.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc phát triển và duy trì làng nghề nung gạch gốm đỏ Mang Thít, Vĩnh Long, nhưng những lò gạch gốm tại đây vẫn ngày đêm đỏ lửa để tạo ra những sản phẩm đẹp, độc đáo, chất lượng. Những người thợ vẫn miệt mài với nghề tạo ra những nét văn hóa mang giá trị tâm hồn Việt, văn hóa phương Đông, tồn tại theo năm tháng.
Từ một làng nghề truyền thống, nay các lò gạch Vĩnh Long đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Chưa kể, ở đây còn có khá nhiều góc chụp độc đáo mà chắc chắn bạn sẽ khó lòng bỏ qua cho xem.
Vietnam.vn