Ngày 9.6, tại Quảng Ninh, Báo Thanh Niên tổ chức hội nghị phóng viên (PV) thường trú toàn quốc lần thứ hai. Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT).
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các địa phương: ông Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Hồng Dương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh; ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương; bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh…
Tại hội nghị, với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong năm 2022, Báo Thanh Niên vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND tỉnh Nam Định tặng bằng khen cho Văn phòng Đông Bắc bộ của Báo Thanh Niên. Hội Nhà báo Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam cho 11 nhà báo là hội viên thuộc Liên chi hội Nhà báo Báo Thanh Niên.
Lực lượng rất quan trọng để phát triển nội dung
Thông tin tại hội nghị, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết tính đến ngày 31.5, báo có 443 nhân sự làm việc theo chế độ hợp đồng chính thức và gần 100 đội ngũ cộng tác viên trên cả nước. Trong đó, lực lượng PV thường trú (ngoài 2 tòa soạn chính tại TP.HCM và Hà Nội) là 36 người, chiếm 28,3% PV cả nước và 8,1% tổng số nhân sự toàn cơ quan.
Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn
Theo Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn, PV thường trú, các văn phòng đại diện có thể ví là “cánh tay nối dài” của tòa soạn tại các địa phương, mang lại nhiều kết quả tích cực cho các hoạt động chung của báo trên các mặt công tác, từ nội dung, kinh tế báo chí đến từ thiện xã hội và các chương trình sự kiện sau mặt báo. Sự hiện diện của PV thường trú không chỉ xác lập vị thế, hình ảnh và thương hiệu của tờ báo, mà còn góp phần hỗ trợ các địa phương quảng bá hình ảnh, tuyên truyền chủ trương, chính sách thông qua việc cập nhật thông tin nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện về “bức tranh” KT-XH và mọi mặt đời sống tại các địa phương.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định, trong nhiều năm qua, Ban Biên tập Báo Thanh Niên luôn quan tâm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ PV thường trú giỏi nghề, có thể tác nghiệp đa phương tiện, đa nền tảng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức tốt, đảm bảo tác phong, chuẩn mực của người làm báo.
Dù đạt nhiều kết quả nhưng hoạt động của đội ngũ PV thường trú hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Điển hình như lực lượng chưa thể phủ hết các tỉnh, thành trên cả nước; nhiều PV được phân công kiêm nhiệm phụ trách 2 – 3 tỉnh, thành; đa số PV thường trú chưa có văn phòng làm việc tại địa bàn phụ trách; một số thông tin phản ánh về tiêu cực, nhạy cảm còn khó tiếp cận do tâm lý ngại tiếp xúc, né tránh báo chí của cơ quan chức năng địa phương… Từ thực tiễn nêu trên, Báo Thanh Niên tổ chức hội nghị PV thường trú để nhận diện, phân tích, đưa ra các giải pháp mang tính lâu dài, bền vững. Đây là cơ hội để Báo Thanh Niên lĩnh hội các chỉ đạo, định hướng, chia sẻ về công tác tuyên truyền, đạo đức nghề nghiệp cũng như các quy định pháp lý liên quan đến người làm báo.
“Chúng tôi mong mỏi được lắng nghe những ý kiến, góp ý chân tình từ lãnh đạo các địa phương – nơi có PV thường trú Báo Thanh Niên, để qua đó đội ngũ PV thường trú soi lại mình rõ hơn và cùng tạo lập nên môi trường hoạt động báo chí lành mạnh”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn bày tỏ.
Không để xảy ra sai sót, vi phạm đạo đức người làm báo
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, ghi nhận Thanh Niên là tờ báo có uy tín, có thương hiệu và vị thế chính trị rất quan trọng trong hệ thống báo chí của T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và cả trong hệ thống báo chí cả nước mà không phải tờ báo nào cũng có được. Đặc biệt, Báo Thanh Niên dám nói, dám dấn thân, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực, cái xấu trong xã hội vì lợi ích chung, được bạn đọc yêu mến, tin cậy và trung thành với tờ báo, đây là vốn rất quý để làm tốt công việc của mình trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Lâm cho rằng trách nhiệm của người làm báo, của đội ngũ PV thường trú phải chỉ ra được, phát hiện vấn đề để cảnh báo các địa phương, đơn vị, tổ chức… trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, để họ phải nhìn nhận lại, điều chỉnh, đây là việc rất cần làm. Thanh Niên cần tiếp tục dũng cảm, đấu tranh với những tiêu cực, nêu ra hạn chế, yếu kém của xã hội, của công tác điều hành lãnh đạo… Đây là việc báo đã có sở trường, kinh nghiệm trong nhiều năm và cần phải tiếp tục phát huy. “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhắc chúng tôi, báo chí phải tuyên truyền cân bằng, không phải cứ khen hết là tốt. Báo chí không tô hồng nhưng cũng không bôi đen, hai khái niệm này luôn đi đôi với nhau và mong Thanh Niên phải làm được việc này”, ông Trần Thanh Lâm nói.
Cũng theo ông Trần Thanh Lâm, Thanh Niên là cơ quan báo chí lớn, có nhiều văn phòng đại diện, đông PV thường trú, sản xuất số lượng lớn tin, bài trên nhiều ấn phẩm, nền tảng khác nhau thì không thể tránh được những sơ suất về câu từ, chữ nghĩa… nhưng trong công tác quản lý thì không được để xảy ra sai sót, vi phạm và phải gìn giữ đạo đức của người làm báo.
“Chúng tôi mong muốn Thanh Niên tiếp tục là tờ báo có khát vọng, có tầm nhìn. Khát vọng ở đây là trở thành tờ báo hàng đầu, có đông bạn đọc trong tốp đầu tiên, là cơ quan chuyển đổi số nhanh, sớm. Tôi được biết Bộ TT-TT vừa ra chủ trương, cuối năm nay sẽ công bố chỉ số chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, giống như CPI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Tôi nghĩ, Báo Thanh Niên phải phấn đấu nằm trong tốp đứng đầu tiên ngay từ khi công bố, thế mới là chuyển đổi số, thế mới là Thanh Niên“.
Dịp này, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm cũng đề nghị Báo Thanh Niên làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Đi đầu trong ứng dụng công nghệ báo chí hiện đại
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh bày tỏ sự bất ngờ khi Báo Thanh Niên có hệ thống PV thường trú trải rộng gần 40 tỉnh, thành và cho rằng đây chính là sự khác biệt trong xây dựng, phát triển nội dung của tờ báo khi phản ánh rất kịp thời, sinh động các thông tin về đời sống, KT-XH trên khắp cả nước.
Ông Minh nhắc tới sự lớn mạnh của Báo Thanh Niên thời gian qua, thể hiện từ nội dung đến hình thức, kinh tế báo chí, uy tín cá nhân của những nhà báo công tác tại báo, trong đó đặc biệt đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ vào làm báo.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh đổi mới công nghệ mang lại cho báo chí nhiều cơ hội nhưng đặt ra không ít thách thức. Tới đây, nhà báo tác nghiệp không đơn thuần chỉ bằng cuốn sổ, cây bút hay chiếc máy ảnh mà còn rất nhiều yếu tố tác động khác. Báo chí phải nắm bắt được công nghệ, ngoài xây dựng nội dung hay thì cần ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, phải chủ động đón chờ độc giả trên nền tảng mới chứ không chỉ đơn thuần là chạy theo để đáp ứng.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho rằng báo chí đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Bối cảnh ấy đặt ra yêu cầu báo chí phải tìm ra những phương thức truyền thông phù hợp giúp công tác tuyên truyền không khô cứng, khuôn phép mà sinh động, dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ hiểu.
Để làm được việc này, Báo Thanh Niên cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ báo chí hiện đại; tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức; tạo sự thu hút, hấp dẫn với độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Cùng đó là mở các chuyên trang, chuyên mục, lựa chọn chủ đề được bạn đọc quan tâm; tổ chức các đợt tuyên truyền trọng điểm gắn với các sự kiện chính trị nổi bật, phổ biến kịp thời quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi trong các chủ trương, chính sách…
“Báo Thanh Niên cần thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, cập nhật kiến thức cho đội ngũ PV về các phương thức làm báo hiện đại, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong báo chí; phát huy có hiệu quả các kênh thông tin của báo để lan tỏa các thông tin và quảng bá hình ảnh của báo tới đông đảo các tầng lớp nhân dân”, anh Lương gợi ý.