Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lắng nghe, giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri

Việt NamViệt Nam06/12/2024


Thời gian qua, việc lắng nghe, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri luôn được HĐND tỉnh cùng chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Nhiều vấn đề, kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, thấu đáo đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với đại biểu HĐND và các cấp chính quyền.

Thực hiện Công văn số 393/HĐND-VP ngày 28/8/2024 của Thường trực HĐND tỉnh về đề nghị giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ hai mươi mốt HĐND tỉnh khóa XV; Báo cáo số 07/BC-MTTQ-BTT ngày 22/8/2024 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ hai mươi mốt HĐND tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri (Công văn số 3495/UBND-TH ngày 30/8/2024); trên cơ sở kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả như sau:

VỀ ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG, SẮP XẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ

Cử tri xã Mường Kim, huyện Than Uyên: Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Thuỷ lợi Cù Thàng để Nhân dân sớm có nước phục vụ tưới tiêu.

UBND tỉnh trả lời như sau:
Ngày 27/8/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; hiện nay Ban QLDA đang phối hợp với UBND huyện Than Uyên trong công tác bàn giao mốc và phạm vi giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công trong tháng 10/2024, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2025.

Cử tri xã Pa Vệ Sủ, huyên Mường Tè: Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét kéo điện lưới Quốc gia cho các hộ thuộc nhóm trên của bản Khoang Thèn, xã Pa Vệ Sủ (khoảng 20 hộ)

UBND tỉnh trả lời như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Công ty Điện lực Lai Châu chỉ đạo kiểm tra, đề xuất phương án. Kết quả kiểm tra, xác minh thực tế của Công ty Điện lực Mường Tè xác định: Hiện bản Khoang Thèn, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè đã có điện lưới Quốc gia, tuy nhiên có khoảng 20 hộ dân mới chia tách hộ, giãn dân chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia, khoảng cách từ hộ xa nhất đến đường dây hạ thế sau TBA Seo Thèn B khoảng 2 km.

Để sớm cấp điện cho 20 hộ dân trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công ty Điện lực Lai Châu tiếp tục báo cáo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc quan tâm, bố trí vốn của Tập đoàn trong kế hoạch đầu tư đầu tư giai đoạn 2024-2025 để đầu tư kéo điện cho các hộ dân; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Mường Tè chủ động bố trí các nguồn vốn đầu tư công đã được giao và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 1178/UBND-KTN ngày 04/4/2023 và số 4121/UBND-KTN  ngày 27/10/2023.

VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

Cử tri xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn: Đề nghị UBND tỉnh xem xét, sửa đổi Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 24/8/20217 của UBND tỉnh theo đúng nguyên tắc áp dụng chi chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: “Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nội dung, mức chi cụ thể cho phù hợp ...”. Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 về quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Lai Châu và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 về quy định việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh.

- Tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND quy định nguyên tắc áp dụng như sau: “Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc thực tế đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân quy định tại khoản 1 và các đối tượng quy định tại khoản 2, điều này. Trường hợp các đối tượng này khi tham gia tiếp công dân xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân từ 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc trở lên thì được hưởng toàn bộ mức chi bồi dưỡng, nếu dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức chi bồi dưỡng quy định tại Nghị quyết này”. Ngày làm việc thực tế là ngày tiếp công dân được phản ánh vào sổ tiếp công dân và được quy định tại Điều 11 Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ: “Việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải được ghi vào Sổ tiếp công dân hoặc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân.”

Từ những quy định nêu trên, nhận thấy việc thực hiện chế độ bồi dưỡng với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định tại Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Cử tri thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ: Hiện nay, nhiều Doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chưa tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc và định kỳ cho người lao động. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, yêu cầu các Doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và khám định kỳ theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015

UBND tỉnh trả lời như sau:

Thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn, trong thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, khám sức khoẻ cho người lao động trước khi bố trí làm việc và khám định kỳ theo quy định một số văn bản[1]. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nhiều và lực lượng làm công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng theo phân cấp, thẩm quyền còn hạn chế, chưa bao quát được toàn diện. Năm 2024, Tổ kiểm tra công tác An toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn huyện Phong Thổ đã kiểm tra tại 16 doanh nghiệp trên địa bàn huyện và kiến nghị doanh nghiệp chấp hành công tác khám sức khoẻ cho người lao động theo quy định.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật về khám sức khỏe cho người lao động theo quy định.

Cử tri thuộc đối tượng đang thực hiện ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 19/11/2018 (nay là Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ) trên địa bàn huyện Than Uyên: Tại kỳ họp thứ hai mươi mốt HĐND tỉnh khóa XV, UBND tỉnh đã trả lời ý kiến của đại biểu về xem xét sửa đổi nâng định mức phân bổ tại Điều 13 và Điều 29 quy định kèm theo Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh (trả lời tại Báo cáo số 321/BC-UBND ngày 17/7/2024). Tuy nhiên, nội dung này trả lời chưa thỏa đáng. Từ năm 2023 đến nay, Chính phủ đã hai lần điều chỉnh mức lương cơ sở (từ 1.490.000đ lên 2.390.000đ, tăng 57%) và tăng mức lương tối thiểu vùng. Ngoài cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng khác như người nghỉ hưu, người hưởng trợ cấp hằng tháng cũng được xem xét, nâng lương hưu, trợ cấp… nhưng đối tượng người lao động ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh lại chưa được quan tâm. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 theo hướng nâng định mức phân bổ chi hợp đồng lao động tại Điều 13 và Điều 29 để phù hợp với việc tăng lương cơ sở thời gian qua.

UBND tỉnh trả lời như sau:
Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP về quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/7/2024 là 2.340.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, Nghị định không áp dụng đối với đối tượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 19/11/2018 của Chính phủ.
Đối với dự toán năm 2024, căn cứ số lượng hợp đồng lao động được giao và định mức quy định tại Điều 29 Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao dự toán đối với số lao động hợp đồng của huyện Than Uyên là 9.900 triệu đồng. Theo Báo cáo số 3069/BC-UBND ngày 23/8/2024 của UBND huyện Than Uyên về đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP năm 2024, thì số lượng lao động hợp đồng có mặt tại thời điểm 01/7/2024 là 109 người với tổng kinh phí chi trả là 639.637.519 đồng/tháng (mức lương hợp đồng/tháng là 517.824.050 đồng/tháng, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm là 121.813.469 đồng/tháng), tương ứng số kinh phí phải chi trả năm 2024 là 7.675 triệu đồng (thấp hơn số kinh phí đã được giao dự toán). Bình quân kinh phí thực tế bố trí cho 01 hợp đồng là 5.867.234 đồng/người/tháng, mức này cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (huyện Than Uyên thuộc vùng IV mức lương tối thiểu tháng là 3.450.000 đồng/tháng). Ngoài ra, tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP quy định: “Người lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động”; do đó mức lương hợp đồng/tháng có thể tăng khi người sử dụng lao động cân đối nguồn hiện có của đơn vị để hỗ trợ người lao động.

Cử tri xã Bum Nưa, huyện Mường Tè: Hiện nay, người dân khi đến khám và điều trị tại các trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh phải đóng tạm ứng viện phí từ một đến hai triệu đồng trong khi nhiều trường hợp lúc nhập viện người nhà bệnh nhân không có khả năng đóng tạm ứng. Cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét miễn giảm mức tiền tạm ứng viện phí.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của Sở Y tế, thực tế tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, một số người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế hoặc tham gia bảo hiểm y tế nhưng thuộc đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh (5%, 20%), nhưng khi được điều trị bệnh tạm ổn định đã trốn viện dẫn đến tình trạng thất thu viện phí tại các cơ sở y tế; thực tế Tại Trung tâm Y tế Mường Tè năm 2023 thất thu gần 22 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2024 thất thu gần 7 triệu đồng chi phí điều trị của người bệnh. Việc tạm thu một phần kinh phí khi bệnh nhân vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm mục đích tạm ứng để người bệnh có trách nhiệm hoàn trả chi phí và các thủ tục còn thiếu khi khám bệnh, chữa bệnh hoặc tạm ứng trước để thanh toán các dịch vụ sử dụng tại bệnh viện đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, các khoản tạm ứng sẽ được công khai, đối chiếu và hoàn trả cho bệnh nhân khi đủ các thủ tục khám, chữa bệnh theo quy định. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có biện pháp xử lý linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh của gia đình người bệnh, không để ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh của người bệnh.

Cử tri xã Vàng San, huyện Mường Tè: Kiến nghị UBND tỉnh xem xét, nâng mức hỗ trợ học tập đối với con em đi xuất khẩu lao động các nước.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể:

- Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ: Tối đa 4.000.000 đồng/người/khóa học;

- Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50.000 đồng/người/ngày;

- Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo: 400.000 đồng/người/tháng;

 Với nội dung và mức hỗ trợ tại quy định nêu trên cơ bản đã đáp ứng được chi phí đào tạo trước khi người lao động đi xuất khẩu lao động.

Cử tri Trường THCS xã Hố Mít, huyện Tân Uyên: Căn cứ Thông tư số 36/1999/TT-BGD&ĐT ngày 27/9/1999 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với ngành giáo dục và đào tạo, các đơn vị trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuần làm việc 5 ngày, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật. Sau khi xem xét đề nghị của UBND huyện Tân Uyên tại Công văn số 2989/UBND-GDĐT ngày 23/11/2023, UBND tỉnh Lai Châu đã có Công văn số 4656/UBND-VX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với ngành giáo dục và đào tạo đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của tỉnh. Cử tri đề nghị UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để UBND các huyện, các trường học có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong năm học 2024-2025 sắp tới.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 3845/UBND-VX ngày 24/9/2024 về việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật đối với các trường học theo Thông tư số 36/1999/TT-BGDĐT và giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Hướng dẫn cụ thể việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần đảm bảo thực hiện hiệu quả nội dung, chương trình, nhiệm vụ năm học theo quy định;
- Thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện dạy và học 5 ngày/tuần; kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền;
- Kết thúc năm học 2024 - 2025, tổ chức đánh giá tình hình, kết quả việc thực hiện dạy và học 5 ngày/tuần trên địa bàn tỉnh và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cử tri Lò Suối Tủng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu: Kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có chế độ phụ cấp đối với chức danh Phó Chủ tịch hội ở cấp xã và các Chi hội trưởng Người cao tuổi như các đoàn thể khác.

UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì Hội Người cao tuổi là tổ chức xã hội, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động.
Đối với chức danh Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở cấp xã và các Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ở thôn, bản, tổ dân phố không thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố. Mặt khác, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế, chưa thể cân đối kinh phí để ban hành chế độ phụ cấp cho chức danh này. Hiện tại, mỗi năm ngân sách tỉnh phải cân đối hơn 45 tỷ đồng để thực hiện chế độ chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố theo Nghị quyết số 69/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
8. Cử tri Bản Mới, xã San Thàng, thành phố Lai Châu: Kiến nghị xem xét có chế độ thăm hỏi, tặng quà cho Đảng viên từ 30 năm tuổi Đảng trở lên (và có chính sách hỗ trợ thăm viếng đối với các gia đình có Đảng viên từ 30 năm tuổi Đảng trở lên khi từ trần.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay, Trung ương chưa có chính sách quy định đối với chế độ thăm hỏi, tặng quà cho Đảng viên từ 30 năm tuổi Đảng trở lên và hỗ trợ thăm viếng đối với các gia đình có Đảng viên từ 30 năm tuổi Đảng trở lên khi từ trần. Do đó theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, trường hợp địa phương ban hành chính sách sẽ thuộc chính sách đặc thù và địa phương phải đảm bảo nguồn kinh phí. Ngoài ra tại khoản 2 Mục I phần B Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 quy định “Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cân đối được nguồn thực hiện”; tại khoản 8 Điều 7 Chương II của Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó quy định: “chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm”. Từ các quy định nêu trên và do nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, nên Ủy ban nhân dân tỉnh chưa xem xét việc trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách về chế độ như ý kiến kiến nghị của cử tri.

Cử tri Bản Lùng Than, xã San Thàng, thành phố Lai Châu: Đề nghị UBND xem xét, nâng nâng mức trợ cấp ngày lao động đối với lực lượng dân quân trên địa bàn tỉnh. Theo Nghị quyết số 45/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh quy định mức trợ cấp ngày công lao động đối với lực lượng dân quân trên địa bàn tỉnh là 130.000 đồng/ngày/người, trường hợp được kéo dài thời hạn nghĩa vụ quy định của cấp có thẩm quyền mức trợ cấp tăng thêm là 60.000 đồng/ngày/người là thấp so với thu nhập chung.

UBND tỉnh trả lời như sau:
Về chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ, quy định: “a) Mức trợ cấp ngày công lao động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 119.200 đồng, trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 59.600 đồng”.

Từ quy định nêu trên, căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 về quy định mức trợ cấp ngày công lao động đối với lực lượng dân quân trên địa bàn tỉnh là 130.000 đồng/người/ngày, trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm 60.000 đồng/người/ngày.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ theo hướng nâng mức hưởng một số chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ, trong đó có điều chỉnh nâng mức trợ cấp ngày công lao động. Sau khi có văn bản quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ nghiên cứu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành mức trợ cấp phù hợp với thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Cử tri Liên minh hợp tác xã; Hội Chữ thập đỏ; Hội Văn học Nghệ thuật; Hội Luật gia; Hội Người cao tuổi; Hội Cựu Thanh niên xung phong; Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (gọi tắt là Các tổ chức Hội quần chúng cấp tỉnh):

- Đề nghị UBND tỉnh sớm cụ thể hóa, thực hiện nội dung về chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác các tổ chức Hội được nêu tại khoản 2 Điều 7 “Chế độ, chính sách đối với người làm việc thường xuyên tại hội” quy định tại Quyết định số 1010-QĐ/TU ngày 28/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng cấp tỉnh được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Các đơn vị thuộc Hội đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét đảm bảo chế độ công vụ cho người trong độ tuổi lao động được phân công, điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội tại các cơ quan thuộc Hội theo quy định.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quyết định số 118-QD/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư về Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; khoản 2 Điều 7 Quyết định số 1010-QĐ/TU ngày 28/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng cấp tỉnh được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, quy định: “Chế độ, chính sách đối với người làm việc thường xuyên tại hội: Người trong độ tuổi lao động được phân công, điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội thì hưởng lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác theo quy định đối với cán bộ, công chức”.

Theo Công văn số 2478/BNV-TL ngày 07/5/2024 của Bộ Nội vụ về việc chế độ phụ cấp công vụ, trong đó trả lời các tỉnh như sau: ‘‘Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan thể chế hóa Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư về Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, trong đó đề xuất chế độ, chính sách đối với người làm việc tại hội trình Chính phủ xem xét, quyết định; trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP cho ý kiến về thì chế độ phụ cấp công vụ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ’’.

Do đó sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ triển khai thực hiện theo quy định.

- Đề nghị các cấp xem xét giải quyết chế độ phụ cấp thù lao cho cán bộ lãnh đạo Hội cựu TNXP cấp huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn chưa được hưởng phụ cấp thù lao; chế độ thù lao đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách hội người cao tuổi cấp huyện.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội: “1. Đối với hội có tính chất đặc thù: Kinh phí thực hiện chế độ thù lao được ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. 2. Đối với các hội còn lại: Kinh phí thực hiện chế độ thù lao do hội bảo đảm”.

Hiện nay các Hội cựu TNXP cấp huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn; hội người cao tuổi cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa được cấp có thẩm quyền công nhận là hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (Hội có tính chất đặc thù). Do vậy, theo quy định trên thì kinh phí thực hiện chế độ thù lao do hội tự bảo đảm.

- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho công chức, viên chức đang công tác tại các tổ chức Hội được tham gia thi nâng ngạch hàng năm.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tại Công văn số 1865/BNV-CCVC ngày 30/4/2021 của Bộ Nội vụ về việc nâng ngạch, thăng hạng đối với người làm việc trong các Hội có tính chất đặc thù, trong đó Bộ Nội vụ trả lời như sau: “Về thi nâng ngạch, thăng hạng đối với người làm việc tại các Hội: Do các Hội là đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP nên đề nghị Sở Nội vụ tỉnh tham mưu cấp có thẩm quyền cử người làm việc ở các Hội tham gia cùng với kỳ thi nâng ngạch công chức hoặc kỳ thi thăng hạng viên chức do tỉnh tổ chức khi đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện và phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Theo đó, năm 2022, Bộ Nội vụ phê duyệt cho tỉnh 17 chỉ tiêu nâng ngạch công chức đối với người làm việc tại các tổ chức hội (Liên minh HTX: 6, Hội Chữ thập đỏ tỉnh: 6; Hội Luật gia: 01, Hội Chữ thập đỏ huyện Phong Thổ: 01, Hội Chữ thập đỏ huyện Tam Đường: 01, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật: 01, Hội Văn học - Nghệ thuật: 01); Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức, trong đó 07 người làm việc tại các tổ chức hội đã trúng tuyển (01 người nâng ngạch chuyên viên chính, 06 người nâng ngạch chuyên viên). Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án số 4404/ĐA-UBND ngày 15/11/2023 về việc tổ chức thi nâng ngạch công chức trong các cơ quan hành chính và người làm việc tại các tổ chức hội đặc thù; thăng hạng viên chức từ hạng III lên hạng II tỉnh Lai Châu năm 2023; trong đó đề nghị Bộ Nội vụ phê duyệt 04 chỉ tiêu chuyên viên chính, 12 chỉ tiêu chuyên viên và tương đương cho người làm việc tại Hội. Tuy nhiên, tại Công văn số 7446/BNV-CCVC ngày 18/12/2023 của Bộ Nội vụ về việc tổ chức thi nâng ngạch công chức năm 2023 tỉnh Lai Châu, theo đó Bộ Nội vụ chưa phê duyệt chỉ tiêu nâng ngạch công chức đối với tổ chức hội có tính chất đặc thù, đề nghị UBND tỉnh Lai Châu thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 7 của Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng cấp tỉnh được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ban hành kèm theo Quyết định số 1010-QĐ/TU ngày 28/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định chế độ, chính sách đối với người làm việc thường xuyên tại hội: “Người trong độ tuổi lao động được phân công, điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội thì hưởng lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác theo quy định đối với cán bộ, công chức”.

Do đó, hiện nay giữa các văn bản chưa thống nhất rõ ràng về chế độ, chính sách đối với các trường hợp làm việc tại hội được áp dụng như đối với công chức (quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ) và viên chức (quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ). Sở Nội vụ đã có Văn bản số 1717/SNV-TCBC ngày 12/9/2024 gửi Bộ Nội vụ về xin ý kiến, hướng dẫn việc áp dụng các quy định nâng ngạch, thăng hạng đối với người làm việc tại các tổ chức hội. Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn các tổ chức hội thực hiện theo quy định.

- Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách dịa phương năm 2022 trên địa bàn tỉnh quy định: định mức phân bổ chi thường xuyên khác tính theo tiêu chí biên chế của cấp có thẩm quyền giao: 25 triệu đồng/biên chế/năm. Do số lượng biên chế của hội ít người với định mức cấp chi thường xuyên này gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét nâng mức phân bổ chi thường xuyên để đảm bảo theo chức năng là tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

UBND tỉnh trả lời như sau:
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 01/2011/TT-BTC ngày 06/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính; quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp quy định về nguyên tắc bố trí nguồn kinh phí cho các Hội như sau: “2. Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động của hội gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao theo quy định tại khoản 12 Điều 23 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”.

Để các Hội chủ động thực hiện hoạt động, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ 25 triệu đồng/biên chế/năm (không bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương). Ngoài định mức trên, hằng năm ngân sách tỉnh còn hỗ kinh phí để các Hội thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao, cụ thể năm 2024 hỗ trợ: Liên minh Hợp tác xã 842 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ 865 triệu đồng; Hội Văn học - Nghệ thuật 1.542 triệu đồng; Hội Luật gia 671 triệu đồng; Hội Người cao tuổi 984 triệu đồng; Hội cựu Thanh niên xung phong 583 triệu đồng; Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật 457 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí chi hoạt động của các Hội là cao hơn định mức chi của các cơ quan quản lý nhà nước.
Năm 2025, là năm cuối thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá lại mức hỗ trợ cho Hội quần chúng; trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu đề xuất trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành định mức chi thường xuyên áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2026-2030 đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương.

LĨNH VỰC KHÁC

Cử tri thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ: Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, trang cấp cho huyện một xe chữa cháy chuyên dụng để đảm bảo cứu chữa kịp thời khi có hoả hoạn xảy ra.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo Thông tư số 07/2020/TT-BCA ngày 10/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong Công an nhân dân, tại mục II, Phụ lục số 12 có quy định trang cấp xe chữa cháy chuyên dụng cho tới cấp Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện.

Thực hiện Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1151/KH-UBND ngày 02/4/2024, theo đó đã giao Công  an tỉnh tham mưu Bộ Công an và các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn xây dựng 08 trụ sở, doanh trại cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho Công an cấp huyện, thời gian thực hiện đến năm 2030.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện để thành lập Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện. Số lượng xe chữa cháy chuyên dụng được trang cấp cho Công an tỉnh Lai Châu đang còn thiếu so với quy định, điều kiện để đảm bảo duy trì và vận hành xe chữa cháy cần có lực lượng chuyên môn được đào tạo do vậy việc bố trí xe chữa cháy chuyên dụng từ nguồn ngân sách của Bộ Công an cho Công an cấp huyện thời điểm này chưa thể thực hiện được.

Cử tri xã Vàng San, huyện Mường Tè: Kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét xây dựng bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cho xã Vàng San (xã có 07 Liệt sĩ)

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 151 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng: “4. Nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, quận huyện không có nghĩa trang liệt sĩ”. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Tè đã có nghĩa trang liệt sĩ, do vậy theo quy định không được xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ tại xã Vàng San.

Cử tri huyện Tân Uyên: Hiện nay, quá trình triển khai thực hiện dự án Nâng cấp đường tỉnh lộ 133 (Km0-Km21) qua huyện Tân Uyên gặp khó khăn do Công ty TNHH MTV Trường Thịnh Tân Uyên không nhất trí với phương án bồi thường, hỗ trợ. Tháng 12/2019, Công ty đã được trúng đấu giá quyền sử dụng đất thương mại, dịch vụ tại thửa đất thuộc trụ sở UBND xã Thân Thuộc cũ với diện tích 1.274,9 m2, giá khởi điểm được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1617/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 là 5.601.983.000 đồng (tương ứng với 4.394.000 đồng/1 m2). Năm 2023, khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án: Nâng cấp đường tỉnh lộ 133 (Km0-Km21) thu hồi 175,3 m2 thuộc thửa đất trúng đấu giá của Công ty thì mức giá bồi thường khoảng 720.000 đồng/1 m2, thấp hơn 6,1 so với giá khởi điểm đấu giá được phê duyệt (giá bồi thường về đất nếu phê duyệt là 126.216.000 đồng thấp hơn 644.052.000 đồng so với giá khởi điểm được phê duyệt trúng đấu giá là 770.268.000 đồng). Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND huyện Tân Uyên thống nhất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thực hiện dự án theo đúng đúng tiến độ đã để ra.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Lai Châu phối hợp với UBND huyện Tân Uyên làm việc với Công ty TNHH MTV Trường Thịnh Tân Uyên. Sau khi được các cơ quan chuyên môn của huyện giải thích về cơ chế, chính sách khi nhà nước thu hồi đất, thực hiện công tác GPMB của dự án đầu tư công, đại diện Công ty TNHH MTV Trường Thịnh Tân Uyên đã hiểu và nhất trí với đơn giá đền bù theo quy định của nhà nước và không có kiến nghị thêm.

Cử tri xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn: Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với bộ ngành Trung ương cho phép khi tổ chức thực hiện các cuộc thi tuyển công chức các cấp trong phần thi phỏng vấn và vấn đáp cần đảm bảo đầy đủ máy ghi âm, ghi hình để làm minh chứng kết quả thi; được phúc khảo cả phần thi vấn đáp và phân thi phỏng vấn.

UBND tỉnh trả lời như sau: Nhất trí, tiếp thu tổng hợp kiến nghị với các Bộ, ngành trung ương.

Cử tri xã Tà Tổng, huyện Mường Tè: Đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã. Vì mức xử phạt hành chính đối với thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã như hiện nay là chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm hành chính.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến cử tri xã Tà Tổng, huyện Mường Tè và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Liên minh Hợp tác xã: Hiện nay Liên minh HTX chỉ có ở cấp tỉnh, không có ở cấp huyện, do vậy công tác theo dõi, tổng hợp, thực hiện các nhiệm vụ tổng hợp, tư vấn thành lập mới, hỗ trợ, củng cố phát triển HTX trên địa bàn toàn tỉnh. Đến thời điểm 31/5/2024, toàn tỉnh có 354 HTX đang hoạt động, 289 Tổ hợp tác. Tạo việc làm thường xuyên cho trên 8.000 thành viên và người lao động. Định hướng đến năm 2030: Toàn tỉnh có khoảng 430 tổ hợp tác với trên 3.200 thành viên; 410 hợp tác xã với trên 7.500 thành viên; 04 Liên hiệp hợp tác xã với 21 hợp tác xã thành viên. Tạo việc làm trên 10.000 lao động thường xuyên trong các HTX trở lên. Các HTX sản xuất kinh doanh trải khắp trên địa bàn toàn tỉnh, giao thông đi lại còn khó khăn, nhiều nơi chưa có phương tiện vận tải công cộng nên khó khăn trong công tác đi cơ sở để theo dõi, quản lý về các HTX, các đơn vị thành viên. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh là Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh, trong đó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh là Phó Trưởng ban Thường trực. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh là Ủy viên Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam và kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Liên minh HTX tỉnh được trang bị 01 xe từ năm 2005 đến nay đã hết khấu hao. Vì vậy, Liên minh HTX đề nghị tỉnh quan tâm xem xét trang bị ô tô để cơ quan thực hiện nhiệm vụ được giao được thuận lợi hơn.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Hội Văn học nghệ thuật và Hội Chữ thập đỏ tỉnh: đề nghị UBND tỉnh xem xét trang bị ô tô phục vụ công tác cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Văn học nghệ thuật để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.  Hiện tại hoạt động công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trên địa bàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu chủ động trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khi không có ô tô phục vụ công tác chung. Bởi tính đặc thù của các hoạt động nhân đạo xã hội, thường xuyên vận động, kết nối nguồn lực từ các nhà tài trợ, tham gia các hoạt động trao tặng quà, phòng chống thiên tai, cứu trợ, các đợt tuyên truyền vận động Hiến máu tình nguyện... tại các địa bàn, vùng xâu, vùng xa.

Đối với kiến nghị số 6 và kiến nghị số 7, UBND tỉnh trả lời như sau:
Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô không quy định tiêu chuẩn, định mức xe ô tô cho các hội quần chúng mà chỉ quy định hỗ trợ xe ô tô và hỗ trợ kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ do Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ. Tại điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2023/NĐ-CP quy định hỗ trợ kinh phí để mua xe ô tô từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc hỗ trợ bằng hiện vật:

Đối với các hội có số biên chế được giao từ 20 người đến 50 người được hỗ trợ 01 xe; từ trên 50 người được hỗ trợ tối đa 02 xe.

Đối với các hội có số biên chế được giao dưới 20 người được hỗ trợ kinh phí để thuê xe hoặc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao.

Theo Quyết định số 2294/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về quy định biên chế trong các tổ chức hội quần chúng được Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ; theo đó, Liên minh Hợp tác xã được giao 16 biên chế, Hội Chữ thập đỏ được giao 17 biên chế, Hội Văn học nghệ thuật có 9 biên chế, như vậy 03 đơn vị không thuộc trường hợp được hỗ trợ xe ô tô mà chỉ được hỗ trợ kinh phí để thuê xe hoặc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao.



Nguồn: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/l%E1%BA%AFng-nghe-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-k%E1%BB%8Bp-th%E1%BB%9Di-ki%E1%BA%BFn-ngh%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7a-c%E1%BB%AD-tri

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm