TPO – Ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang – nơi ghi dấu nhiều hoạt động gắn bó với Bác Hồ. Rất nhiều người đã đến đây để hiểu về lịch sử, tìm hiểu về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó, có không ít người ngoại quốc.
Ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang ngày xưa thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô. Ông Bô không chỉ dâng hiến ngôi nhà cho cách mạng mà sau khi tuyên ngôn độc lập ông cũng đã tiên phong trong nhiều phong trào để khôi phục đất nước. |
Hội phụ nữ phường Hàng Gai đã tổ chức buổi viếng thăm ngôi nhà lịch sử này nhân dịp sinh nhật Bác Hồ gần tới. Được biết, nhiều người tổ chức đến thăm và thắp hương tại nơi đây hằng năm đúng dịp này. |
Một số bạn trẻ cũng đến tìm hiểu lại các chi tiết về lịch sử cũng như những chứng tích được ghi lại. Vì nơi đây có những bức ảnh, tư liệu mà trên mạng xã hội không thể tìm thấy. |
Dù không phải lần đầu, nhưng mọi người chăm chú lắng nghe câu chuyện về Bác Hồ cùng những câu chuyện lịch sử gắn bó cùng ngôi nhà. |
Một số người Nhật nghiên cứu lịch sử cũng nhân dịp du lịch đã đến để tận mắt thấy được hiện trường nơi lịch sử Việt Nam được viết lên. |
Họ cố gắng để tìm hiểu từng chút thông tin quý giá có được. |
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Chủ nhân của ngôi nhà khi ấy là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà này là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Tại đây đã diễn ra cuộc họp thành lập Chính phủ lâm thời và đặc biệt, trong căn phòng ở tầng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đánh dấu bước ngoặt phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu Người trở về Hà Nội, nơi Bác đã ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.
Trải qua gần 100 năm thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn nguyên vẹn. Tầng một của ngôi nhà trưng bày những tư liệu theo chủ đề. Tầng hai, ấn tượng nhất là chiếc bàn lịch sử đặt một chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã từng sử dụng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, các hiện vật giới thiệu về phòng tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người ở và làm việc tại đây; phòng họp có đặt chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián ở giữa, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương đã làm việc. Tầng ba của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương.
Nguồn: https://tienphong.vn/lang-nghe-cau-chuyen-ve-bac-o-ngoi-nha-48-hang-ngang-chung-tich-lich-su-cua-dan-toc-post1638137.tpo