Sung túc nhờ mai vàng
Năm 2003, một thanh niên 22 tuổi tên Trần Văn Thống từ Long An xuống “Vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn (Bến Tre) tìm các nghệ nhân chuyên về mai vàng học nghề. Một năm sau đó, anh về nhà ở ấp 4, xã Tân Tây xin cha cho mình phá bờ tràm cặp kênh nội đồng rộng 1.700 m2 để trồng 500 gốc mai vàng. Sau 5 năm kiên trì chăm sóc, ông Thống tuyển một số gốc mai đẹp bán được gần 500 triệu đồng rồi dùng số tiền này đầu tư mua 5.000 m2 đất để tiếp tục trồng mai vàng.
Nhận thấy mô hình của ông Thống có thu nhập cao, nhiều hộ nông dân khác cũng học trồng theo, tổng cộng được hơn 20 ha mai vàng. Khi đó, cây mai vàng 4 – 5 năm tuổi có giá từ 1 – 3 triệu đồng. Sau 4 đến 5 năm trồng, các hộ gia đình trên thu nhập bình quân khoảng 1 tỉ đồng/5.000 m2/ 1.000 cây, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Hiện ở Tân Tây có rất nhiều cây mai tuổi cao, dáng đẹp… được trả giá lên đến vài trăm triệu đồng. Tính đến nay, toàn xã Tân Tây đã có đến gần 500 ha trồng cây mai vàng với đa số hộ dân là thành viên Làng nghề trồng mai Tân Tây.
Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Sở NN-PTNT, Sở KH-CN tỉnh Long An, tất cả các hộ dân trong Làng nghề trồng mai Tân Tây đều đã được học lớp trồng, chăm sóc cây kiểng để thành lập Chi hội mai vàng trực thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An.
Tiếng lành đồn xa, nghệ nhân, thương lái ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, khu vực miền Đông Nam bộ, miền Bắc… nườm nượp đến đây thu mua cây mai vàng. Từ đó, đời sống người dân Tân Tây trở nên sung túc hơn và đưa xã Tân Tây từ khó khăn trong vùng Đồng Tháp Mười trở thành xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện Thạnh Hóa, hiện trong giai đoạn hoàn thành xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao.
Ðiểm du lịch mang đặc sắc miền Tây
Ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND H.Thạnh Hóa, cho biết cuối năm 2022, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 9170/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện và người dân địa phương, sắp tới Làng mai Tân Tây sẽ có Khu điều hành Làng mai, điểm dừng chân với diện tích khoảng 2 ha (từ QL62 vào không quá 500 m) là địa điểm đậu xe, tập trung khách du lịch. Trung tâm điều hành với tổng diện tích 3 ha gồm các hạng mục như phòng điều hành, khu trưng bày và giới thiệu tổng quan quá trình hình thành và phát triển làng nghề trồng mai kết hợp trưng bày mai kiểng; khu trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) chủ lực của huyện; khu lưu trú kết hợp không gian sân khấu đa năng; khu giải trí, khu ẩm thực, bến thuyền…
Đặc biệt, Làng nghề trồng mai xã Tân Tây cũng sẽ có khu nghỉ dưỡng homestay do một số người dân địa phương phối hợp thực hiện. Du khách sẽ được trải nghiệm lối sống của dân địa phương trong sản xuất, học nghề trồng, tạo dáng mai, câu cá, bơi thuyền, tham quan các khu vực trồng cây ăn trái, dùng cơm với các món ăn dân dã, đặc trưng miền Tây dưới sự điều phối, quản lý của trung tâm điều hành du lịch.
Làng mai Tân Tây cũng sẽ trang bị dịch vụ vận chuyển khách tham quan suốt tuyến bằng xe điện, xe đạp; thưởng thức các món ăn đặc sản Long An tại các khu ăn uống dọc bờ sông; chụp ảnh lưu niệm tại các không gian chụp ảnh có tính nổi bật, đại diện và ấn tượng gắn với đặc trưng nông nghiệp và làng nghề địa phương.