Là một trong 7 lăng vua triều Nguyễn ở Huế, lăng Khải Định có nét riêng về cảnh quan, kiến trúc, chứa đựng giá trị độc đáo. Đây là một điểm đến ấn tượng tại cố đô.
Lăng mộ cuối cùng của vua triều Nguyễn
Vua Khải Định (1885 – 1925) – vị vua thứ 12 triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là con trưởng của vua Đồng Khánh và là thân sinh của vua Bảo Đại. Ông lên ngôi năm 1916 và trị vì tới khi mất – năm 1925. Mặc dù ở ngôi chưa tới 10 năm nhưng ông đã cho xây rất nhiều cung điện, dinh thự cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức… Cũng như nhiều vị vua tiền nhiệm, vua Khải Định đã cho xây Ứng Lăng – lăng mộ của chính mình từ khi còn sống.
Để xây dựng Ứng Lăng, vua Khải Định đã cho mời nhiều thầy địa lý chọn đất hợp phong thủy là vùng núi Châu Chữ cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía nam. Lăng tọa lạc ở sườn tây của một ngọn đồi, dưới chân đồi có khe Châu Ê chảy qua. Ở phía trước, ngay trên trục chính có một ngọn đồi thấp dùng làm tiền án, hai bên là núi Chóp Vung và núi Kim Sơn.
So với các lăng vua trước, lăng Khải Định có mặt bằng nhỏ hẹp nhất, nhưng lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về công sức, thời gian và tiền của. Lăng được xây dựng trong 11 năm (1920 – 1931) trong bối cảnh nước nhà bị đô hộ, khó khăn về kinh tế. Để có kinh phí xây dựng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của vua Khải Định đã bị lên án gay gắt.
Vua Khải Định qua đời tháng 11-1925. Tới tháng 1-1926, quan tài của vua được đưa lên Ứng Lăng trong một lễ tang trọng thể, sau khi quàn trong Hoàng cung gần 3 tháng. Sau đó, công việc xây lăng vẫn tiếp tục, tới năm 1931 mới hoàn thành.
Triều Nguyễn có 13 vua nhưng chỉ có 7 lăng mộ. Vì hoàn cảnh lịch sử, có vua không có lăng (vua Hiệp Hòa), hoặc táng chung vào lăng vua khác (vua Kiến Phúc, Thành Thái, Duy Tân). Vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng đã thoái vị, sau đó sống lưu vong nên không có lăng. Như vậy, lăng Khải Định là lăng mộ cuối cùng của triều Nguyễn.
Dấu ấn kiến trúc Đông – Tây
Lăng Khải Định có bố cục đối xứng theo một trục thần đạo, trải dài từ thấp lên cao trên sườn dốc của ngọn đồi. Diện tích xây dựng của lăng nhỏ nhưng mật độ xây dựng dày đặc, không có mặt nước, diện tích cây xanh rất khiêm tốn. Từ dưới lên trên, các công trình được bố trí trên 5 cấp sân với 127 bậc thang.
Công trình Ứng Lăng hoàn toàn khác biệt với các lăng và hệ thống kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở cả hình thức kiến trúc và sử dụng vật liệu. Nếu như phần lớn vật liệu xây dựng 6 lăng vua Nguyễn tiền nhiệm là gỗ, đá, vôi gạch… khai thác và sản xuất trong nước thì hầu hết vật liệu xây dựng lăng Khải Định phải nhập ngoại: Sắt, thép, xi măng, kính, ngói ardoise mua từ Pháp, sành sứ phải đặt ở Giang Tây (Trung Quốc). Hệ thống kết cấu là bê tông cốt thép – một loại vật liệu và kỹ thuật xây dựng du nhập từ phương Tây. Bên cạnh đó, công trình còn có hệ thống điện, hệ thống chống sét.
Hình thức kiến trúc công trình là một sự pha trộn nhiều trường phái, phản ánh rất rõ lịch sử – văn hóa trong buổi giao thời và phần nào cả tính cách của vua Khải Định – khá “ăn chơi”, vọng ngoại. Có thể thấy điều đó qua những trụ cổng hình tháp mang phong cách kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng phù đồ (stoupa) của Phật giáo; hàng rào như những cây thánh giá của Thiên Chúa giáo, nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể… Tuy vậy, các kiến trúc này được xử lý khá khéo léo, ăn nhập và hòa hợp với nhau trong tổng thể.
Cung Thiên Định – công trình chính của lăng nằm ở vị trí cao nhất, được chia thành 5 không gian: Hai bên là tả, hữu trực phòng; chính giữa phía trước là điện Khải Thành – nơi đặt án thờ vua; bên trong là chính tẩm (nơi đặt mộ vua), bên trên mộ có bức tượng đồng dát vàng vua Khải Định được đúc theo tỷ lệ 1:1; trong cùng là khám thờ đặt long khám, long vị và các đồ tế khí. Cung Thiên Định được trang trí nội thất tinh xảo bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Những nghệ nhân giỏi đã dùng hàng vạn mẩu sành sứ và thủy tinh đủ màu sắc đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh sinh động, như bộ tranh tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ đồ trà, mâm ngũ quả… Đặc biệt, trên trần 3 gian giữa điện Khải Thành có bức tranh “Cửu long ẩn vân” do nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ rất cầu kỳ.
Lăng Khải Định dù có những hạn chế về cảnh quan nhưng lại có nét độc đáo riêng bởi hình thức mới mẻ so với các lăng tẩm khác. Ở đó có dấu ấn của cuộc giao lưu văn hóa Đông – Tây; có không ít yếu tố hiện đại đã hòa nhập vào dòng nghệ thuật kiến trúc truyền thống của dân tộc. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An đánh giá về công trình này: “Lăng Khải Định là một tác phẩm mỹ thuật tổng hòa của nhiều dòng văn hóa, một điểm giao thoa giữa mỹ thuật kim – cổ, Đông – Tây. Nó phản ánh rõ nét phong cách sống của vua Khải Định và đánh dấu giai đoạn giao thoa, hội nhập giữa hai nền văn hóa Á – Âu của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX”.
Hanoimoi.vn