(LĐXH) – Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân làm nghề trồng hoa, cây cảnh đang tất bật cho vụ hoa tết – mùa sản xuất hoa quan trọng và đem lại nguồn thu nhập cao.
Hoa nở sau bão
3 tháng sau cơn bão Yagi, dưới tiết trời se lạnh, nắng đông hanh hao hắt xuống những nụ đào e ấp, trái quất căng mọng dần chuyển sắc màu trong các vườn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên (Hà Nội).
Dọc hai bên đường, các nhà vườn như vừa được thay áo mới sáng loáng, những chiếc đôn, chậu sứ được xếp gọn gàng, lau sạch bóng… tất cả sẵn sàng chờ đón mùa tết.
Say sưa ngắm nghía những gốc đào bích cổ vừa được cắt tỉa, tuốt lá chuẩn bị cho vào chậu, ông Văn Việt (67 tuổi, ở phường Nhật Tân) cho biết, gia đình ông may mắn hơn các hộ trồng đào khác khi sở hữu vườn đào ở nơi đất cao nên không bị ngập úng khi bão Yagi đổ bộ.
Tuy nhiên, gió bão làm nhiều gốc đào bích, đào thất thốn, đào phai lâu năm bị gãy cành, mất dáng nên xấu hơn mọi năm.
“Với những gốc đào này, chúng tôi sẽ bán với giá thấp hơn, khoảng 70%, thậm chí phải chấp nhận chỉ còn một nửa giá. Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, các hộ trồng đào Nhật Tân vẫn cố gắng có đào nở đẹp, đúng dịp tết phục vụ khách gần xa.
Giá đào cũng không quá đắt so với mọi năm, nếu tăng cũng sẽ không vượt quá 20%. Hiện một số khách quen ở Hà Nội và TPHCM đã đặt hàng qua điện thoại, sang tháng 12 âm lịch thì lượng khách mua online và trực tiếp sẽ đông hơn”, ông Việt nói rồi nở nụ cười tươi.
Kế đó, ông Trung Kiên (75 tuổi) có thâm niên trồng đào ở phường Nhật Tân đang hướng dẫn thợ đổ thêm đất và chỉnh lại những gốc đào cho vào chậu. Chỉ về phía hơn 300 gốc đào bích chi chít nụ sau khi tuốt lá, ông Kiên cho biết, do ảnh hưởng của bão nên vườn đào của gia đình bị thiệt hại khoảng 50%.
“Mấy ngày này, tôi phải huy động người nhà và thuê thêm nhân công với giá 500.000 đồng/ngày công để chăm sóc từng gốc đào và đánh lên chậu. Dù doanh thu từ vụ đào không thể bù đắp hết chi phí nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì và giữ gìn nghề truyền thống”.
Gần trưa, nắng đông chênh chếch đỉnh đầu, chủ nhà vườn quất bonsai Trung Ý (phường Tứ Liên) tranh thủ tưới nước cho những bình quất trĩu quả, căng mọng dần ngả vàng.
“Nghề trồng quất cũng vất vả như trồng đào, tốn nhiều công chăm bón nên người trồng phải tâm huyết mới có được cây quất đẹp. Các vườn đang trong công đoạn cuối cùng để quất có thể chín vàng đúng dịp tết. Những cây quất bonsai do trồng trong chậu nên đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn”, chủ nhà vườn Trung Ý chia sẻ.
Theo chủ vườn quất Trung Ý, vườn nhà ông thiệt hại không đáng kể sau bão. Những gia đình trồng quất ở vùng thấp thì bị hỏng nhiều, tỷ lệ cứu được khoảng 20 – 30%. Thời điểm này, các hộ trồng quất tập trung vào việc gò thế, tỉa lá và tạo dáng để cây trở nên đẹp mắt, sẵn sàng cung ứng cho thị trường.
Gần đó là chủ nhà vườn quất bonsai Tiến Hồng đang tỷ mẩn lau chùi, sơn thêm cho những chậu quất chuẩn bị ra thị trường.
“Gia đình tôi có khoảng 2.000 chậu, bình quất lớn nhỏ phục vụ tết. Những cây cổ thụ vẫn được bán với giá như mọi năm, không tăng giá vì tình hình kinh tế chung khó khăn. Hơn nữa, đa số người mua tìm đến vườn đều là khách quen nên chúng tôi càng không thể thay đổi giá bán”, chủ vườn quất Tiến Hồng cho hay.
Cùng với đào, quất, tại thủ phủ trồng các loại hoa hồng, ly, cúc… thuộc huyện Mê Linh, Tây Tựu (Hà Nội), người dân cũng tất bật từ sáng đến đêm, tập trung chăm sóc, chong đèn, cắt tỉa. Để đảm bảo cung ứng đúng tết, các nhà vườn bước vào giai đoạn cuối cùng, chỉnh sửa cho hoa nở đẹp.
Bà Tuyết Mai (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) cho biết, sau bão Yagi, hoa cúc càng được người dân trồng nhiều vì đây là giống ngắn ngày và ra hoa đúng hạn. Bà Mai cũng trồng hoa cúc được hơn 40 ngày và hiện đến lúc chong đèn để hoa nở đúng dịp tết. Trong khi đó, thị trường vẫn ổn định vì lượng cung không quá nhiều.
“Vườn nhà tôi có hơn 700 chậu hoa hồng thế, hoa hồng ngoại với nhiều kiểu dáng, màu sắc đa dạng. Gia đình sẽ chọn những tác phẩm đẹp nhất đem trưng bày tại Festival Hoa Mê Linh năm nay.
Đây là lần thứ 2 Mê Linh tham dự festival hoa nên chúng tôi rất hào hứng, mong muốn đóng góp một phần cho thành công của sự kiện quan trọng này”, bà Kim Chung, chủ vườn hoa ở Mê Linh hào hứng nói.
Những ngày này, người dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) hối hả với công việc chăm sóc hoa cúc, ly… phục vụ tết.
“Gia đình tôi trồng gần 1ha ly. Loại này chi phí cao nên phải tính toán kỹ việc gieo trồng, chăm sóc để hoa nở đúng vụ. Chưa tính đến rủi ro do thời tiết, ly là loài hoa khó tính nên chúng tôi phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc”. Chị Thủy, chủ vườn hoa ở Tây Tựu chia sẻ.
Mùa hoa đem lại nguồn thu lớn nhất năm
Với diện tích gần 5ha, làng hoa Gò Giảng (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có hơn 30 hộ dân trồng hoa với đủ chủng loại. Ông Thi Lý Thọ (xã Hòa Phong) cho biết, gia đình ông đã có 10 năm làm nghề trồng hoa. Vụ hoa tết năm nay, gia đình trồng gần 6.000 chậu hoa các loại như cúc, dạ yến thảo, mai địa thảo, cúc pha lê…
“Các dòng hoa này giá cao nhưng được người dân ưa chuộng trưng dịp tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây hoa đẹp, ít sâu bệnh. Dự kiến, vụ này thu được 300 triệu đồng”, ông Thi Lý Thọ nhẩm tính.
Tranh thủ thời tiết đẹp, bà Trần Thị Trang (xã Hòa Phong) vào chậu cho hoa. Năm nay, gia đình bà Trang trồng hơn 4.000 chậu gồm các loại cúc, hướng dương, hoa ly và các loại hoa treo. “Vào vụ hoa tết, công việc rất vất vả, chúng tôi mong sao thời tiết ủng hộ để cây phát triển tốt và cho ra những chậu hoa đẹp nhất”, bà Trang nói.
Theo những người làm nghề trồng hoa ở Đà Nẵng, công việc trồng hoa tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định.
“So với lúa, trồng hoa có hiệu quả kinh tế hơn. Ví dụ, vốn trồng một cặp chậu hoa cúc ít nhưng thu lại 600.000 đến 650.000 đồng. Vụ hoa tết thu lãi khoảng 100 triệu đồng, nhà nào làm nhiều tầm 150 đến 200 triệu đồng. Cũng nhờ trồng hoa, kinh tế gia đình đầy đủ”, bà Cao Thị Lan, hộ dân trồng hoa tại đây chia sẻ.
Là nơi cung ứng hoa không chỉ cho thị trường TP Đà Nẵng mà còn nhiều tỉnh, thành miền Trung như: Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị… Hầu hết hoa trồng cho vụ tết đã được các thương lái đặt mua từ sớm.
Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề trồng hoa mang lại, diện tích trồng hoa ở vùng ngoại ô Đà Nẵng ngày càng được mở rộng.
Đặc biệt, với việc áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nghề trồng hoa đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Riêng vùng trồng hoa Gò Giảng đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng hoa.
Được biết, TP Đà Nẵng có hơn 500 hộ dân trồng hoa phục vụ tết. Ăn ngủ với hoa, theo các nhà vườn, việc trồng hoa phải đảm bảo về khâu kỹ thuật canh tác. Thời điểm giáp tết rất quan trọng khi càng về cuối năm, thời tiết càng biến đổi, mưa nhiều, cây rất dễ bị thối rễ, thối lá, năng suất sẽ giảm nếu không được chăm sóc tốt.
Để hỗ trợ người trồng hoa, ngành nông nghiệp thành phố luôn đồng hành cùng nông dân về khâu kỹ thuật, giống cây trồng, phân bón, hỗ trợ bà con vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất; kết nối với các trung tâm thương mại giúp người trồng hoa có thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng cho biết, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT cho hàng nghìn lượt hộ vay gần 1.000 tỷ đồng đầu tư sản xuất, trồng hoa, kinh doanh…
“Cùng với hỗ trợ về nguồn vốn, chúng tôi còn hỗ trợ nông dân kỹ thuật và đưa các loại giống hoa mới vào trồng, như: Cúc mâm xôi, thạch thảo và các loại hoa treo… vừa dễ tiêu thụ, vừa mang lại lợi nhuận, qua đó tạo việc làm cho lao động địa phương.
Hội cũng hướng dẫn người dân bán hàng qua app, giới thiệu cho nông dân bán sản phẩm. Năm nay, vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố và Trung ương là 60 tỷ đồng, đây nguồn vốn lớn giúp nông dân việc sản xuất và tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng cho biết.
Hòa Cù – Bùi Minh
Báo Lao động và Xã hội số 153
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/lang-hoa-tat-bat-vao-vu-tet-20241220212659951.htm