Làng Diêm Phố là tên gọi xa xưa của xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hoá) hiện nay. Văn hoá đón xuân của người dân vùng biển Ngư Lộc có nhiều đặc trưng, thời gian nghỉ Tết kéo dài đến gần một tháng.
Xã đông dân nhất cả nước
Xã Ngư Lộc lâu nay vốn được biết đến là một xã không có đất canh tác nông nghiệp. Diện tích đất ở của toàn xã nhỏ nhất chỉ với 0,46km2, trong khi dân số hơn 18.000 người nên mật độ dân số lên tới 36.000 người/km2.
Chiếu theo số liệu điều tra dân số năm 2019, mật độ cư dân sinh sống ở Ngư Lộc cao gấp 15 lần Hà Nội và 8,25 lần so với TP.HCM.
Thậm chí, quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới là Monaco cũng chỉ đạt 19.500 người/km2.
Tuyến đường chính qua trung tâm xã Ngư Lộc ken đặc người vào những ngày Tết cổ truyền.
Bắt đầu từ ngày 28 đến ngày 30 Tết, dạo quanh tuyến đường chính đi qua 7 thôn của xã Ngư Lộc, dọc hai bên là nhà ở san sát, kèm theo những cửa hàng tạp hóa nhộn nhịp kẻ mua người bán.
“Chợ của xã bán đến tối 30 Tết. Còn bắt đầu từ mùng 1 Tết đã có cửa hàng mở bán rồi. Quê tôi đất chật người đông nên nhu cầu mua sắm cũng cao. Ra chợ nhìn người đã vui rồi chứ chưa nói đến mấy ngày Tết”, anh Nguyễn Văn Bình (38 tuổi, ngụ ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc) cho biết.
Giao thông ở xã Ngư Lộc rất nhỏ, hẹp. Tuyến đường chính vào trung tâm xã Ngư Lộc rộng nhất có chỗ chỉ 7m, hẹp nhất 4m, chưa kể hệ thống đường ngang trong các hẻm, ngõ rộng chừng 1-1,5m vừa đủ chiếc xe máy lách qua.
Là một người đi làm ăn xa lâu năm, anh Đào Văn Việt (36 tuổi, ngụ ở thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc) cho biết: “Tôi vào Nam lập nghiệp đã gần 10 năm nay. Do điều kiện khó khăn nên những năm qua tôi không về quê.
Năm nay, vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ đặt vé máy bay về quê từ ngày 28 Tết và có lẽ phải qua Rằm tháng Giêng mới vào lại. Lâu không về nên muốn tranh thủ đi thăm họ hàng, người thân và bạn bè. Phải nói rằng, không ở đâu ăn Tết vui bằng ở quê”.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, năm nay, người dân ở các nơi về quê Ngư Lộc ăn Tết rất đông so với mọi năm.
Theo ông Quang, văn hoá đón xuân của người dân vùng biển Ngư Lộc có nhiều đặc trưng so với địa phương khác, chẳng hạn như thời gian nghỉ Tết kéo dài.
“Ngư dân quan niệm kể cả qua Rằm Tháng Giêng vẫn chưa phải hết Tết. Tuy nhiên, đối với cán bộ, công viên chức vẫn phải đi làm theo đúng lịch đã được quy định”, ông Quang nói.
Văn hóa ăn Tết đậm nét vùng biển
Theo ông Quang, đặc thù của vùng đất ven biển, chuyên nghề đánh bắt thuỷ, hải sản nên cũng văn hoá đón Tết cổ truyền tại đây có nhiều điểm khác so với những địa phương khác trong tỉnh.
Thường vào ngày mồng 1 và mồng 2 Tết, người dân góp tiền để làm cơm cúng ông, bà tổ tiên hai bên nội, ngoại (người dân nơi đây hay gọi là “ăn cỗ chạp” tại nhà được chọn thờ cúng ông bà, tổ tiên). Vào những ngày này, con, cháu trong gia đình gác hết mọi việc để về tham dự, quây quần bên nhau.
Cụ ông Nguyễn Văn Đức (87 tuổi, ở xã Ngư Lộc) cho hay: “Phong tục ở xã Ngư Lộc bao đời nay vẫn vậy. Cứ đến mùng 1 và mùng 2 Tết là con cháu tụ tập ăn cỗ chạp. Đây là lúc con cháu tập trung đông đúc nhất.
Xưa kia, các cụ còn phải làm cơm, cỗ rồi cho vào đôi quang gánh đến gia đình thờ ông bà, tổ tiên để cúng. Nhưng sau này dần dần chuyển sang góp tiền để nấu tại chỗ”.
Một phong tục khác của người dân xã Ngư Lộc đó là vào các ngày mồng 2 và mồng 3 Tết, ngư dân chọn ngày đi thuyền ra đảo Nẹ cúng tế, xin lộc đầu năm, cầu cho một năm bội thu tôm cá.
“Nếu nói về phong tục ăn Tết ở xã Ngư Lộc thì nhiều lắm. Nhưng thường thì tục lệ ăn Tết kéo dài cả tháng dường như cũng ít vùng quê nào giống như vậy”, cụ Đức chia sẻ./.