Ngày 11.1, Ban Quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết tờ trình đề nghị thỏa thuận chủ trương xếp hạng làng cổ Phước Tích là di tích quốc gia đặc biệt đã được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế gửi Bộ VH-TT-DL.
Trước đó, các cơ quan liên quan đã xúc tiến làm hồ sơ đề nghị “thăng hạng” di tích quốc gia làng cổ Phước Tích từ di tích quốc gia lên di tích quốc gia đặc biệt. Hiện địa phương đang chờ văn bản phản hồi từ Bộ VH-TT-DL để tiếp tục chuẩn bị, xử lý các thủ tục, hồ sơ khác theo trình tự.
Vậy làng cổ Phước Tích có gì đặc biệt để “thăng hạng” di tích?
Làng cổ Phước Tích được thành lập từ năm 1479 dưới thời vua Lê Thánh Tông, có diện tích khoảng 49 ha, nằm cách trung tâm thành phố Huế 40 km về hướng bắc.
Ngôi làng được bao bọc bởi con sông Ô Lâu yên bình, với quần thể nhà rường cổ dày đặc. Đi kèm với đó là những di tích, đình, chùa, miếu và hệ thống đường làng nối liền nhau mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Đặc biệt, nơi đây đang lưu giữ nghề gốm truyền thống hơn 500 năm.
Năm 2009, Phước Tích là ngôi làng thứ hai được công nhận di tích cấp quốc gia của Việt Nam.
Những năm gần đây, làng cổ Phước Tích đang được đầu tư, khai thác du lịch với các mô hình tham quan, lưu trú, trải nghiệm… khá thú vị cùng dân làng.
Để phát huy thế mạnh này, bằng nhiều nguồn kinh phí, thời gian qua làng cổ Phước Tích đã được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và bảo tồn di sản như: 23 trong tổng số 25 nhà rường đã hoàn thành trùng tu, tôn tạo; lắp đặt điện chiếu sáng, điện ngầm, đường lát gạch, xây dựng bãi đỗ xe du lịch…