“CON ĐƯỜNG TIỀN TỈ”
Giữa những cánh đồng xanh mướt nằm bên bờ sông Gianh, xã Hạ Trạch có màn “chào khách” hết sức hoành tráng cho những ai đặt chân đến với hàng chục ngôi nhà thờ họ nằm dọc tuyến đường vào xã.
Nơi vùng quê kiểng này, không hề có những “khu phố tiền tỉ” với những biệt thự liền kề hay những khu dân cư đã phân lô, mà lại có “con đường tiền tỉ”. Con đường đó chỉ dài hơn cây số, thậm chí chưa được đặt tên, nhưng gắn với hàng chục ngôi nhà thờ họ đồ sộ, được bao thế hệ người Hạ Trạch đóng góp, dựng xây để tưởng nhớ tiền nhân.
Cả làng Cao Lao Hạ có tổng cộng 25 dòng họ, nhưng 23 dòng họ đã dựng được nhà thờ to đẹp. Mỗi nhà thờ là cả một câu chuyện của dòng họ, nối tiếp bao thế hệ. Nhà thờ họ xây sau thường đẹp hơn, to hơn, tốn kém hơn những công trình xây dựng trước. “Đến giờ cũng chưa có ai xác lập việc Hạ Trạch là nơi có nhiều nhà thờ họ nhất tỉnh Quảng Bình, nhưng tôi đã đi nhiều nơi thấy quả không đâu bằng. Và cũng chắc rằng không có con đường nào có lắm nhà thờ họ như ở chỗ chúng tôi”, ông Trần Tuấn Hùng, cán bộ văn hóa xã Hạ Trạch, không giấu được niềm tự hào.
Khác với “thành phố lăng” An Bằng ở Thừa Thiên-Huế vốn được xây cất lên dành cho người “nằm xuống với đất”, những nhà thờ họ ở Hạ Trạch dù cũng được dựng khá đắt đỏ nhưng dành làm nơi thờ tự tổ tiên và cũng là nơi sum vầy của con cháu mỗi dịp có việc trọng. Dẫn chúng tôi vào nhà thờ của họ Lê Quang, một trong những dòng họ lớn của Hạ Trạch, ông Hùng cho biết chi phí để dựng nên ngôi nhà thờ này không dưới 2 tỉ đồng. “Trung bình mỗi ngôi nhà thờ ở đây có chi phí xây dựng dao động từ 1 – 2 tỉ đồng và phần nhiều được con em trong làng, trong xã và những người làm ăn xa xứ đóng góp để xây dựng. Càng về sau, chi phí càng cao phần nhiều vì kiểu cách xây dựng cũng khác đi, giá nhân công, vật liệu cũng cao hơn và đặc biệt là cháu con trong dòng tộc ai cũng muốn có nhà thờ họ tử tế”, ông Hùng tấm tắc.
Ông Nguyễn Đức Thắng (68 tuổi, Trưởng họ Nguyễn Văn ở làng Cao Lao Hạ, Hạ Trạch) cho biết ông tổ của dòng họ mình ở tận Nghi Lộc (Nghệ An) và cũng là thành hoàng của làng khi vào đây khai khẩn từ 500 năm trước. “Nhà thờ họ chúng tôi được xây dựng cách đây từ mấy trăm năm trước, được tôn tạo nhiều lần. Qua bao cuộc chiến tranh vẫn nguyên vẹn. Chúng tôi có nhiều điều để tự hào, trong đó có 3 cặp hạc bằng đồng, cặp lớn nhất 80 kg xuất hiện khoảng chục năm”, ông Thắng nói.
CÓ MỘT NƠI ĐỂ TRỞ VỀ
Ông Lưu Bá Lâm, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch, không nhớ chính xác thời điểm người Cao Lao Hạ xưa và người Hạ Trạch hôm nay đã xây nhà thờ họ bề thế tự bao giờ. Từ nhỏ, ông đã thấy 2 cây cổ thụ ở trước cổng nhà thờ họ Lê Quang và hỏi bố mình chúng có từ bao giờ, bố ông cũng lắc đầu không biết. “Hai cây cổ thụ đã dễ đến cả trăm tuổi và nhiều thế hệ người làng sinh ra, lớn lên, già đi thì chúng vẫn ở đó. Nghĩa là truyền thống xây nhà thờ họ của người dân Hạ Trạch chúng tôi đã có hàng trăm năm trước”, ông Lâm suy luận.
Cũng theo ông Lâm, xã Hạ Trạch từ trước đến nay là một xã thuần nông, suốt chiều dài lịch sử người dân dựa vào phù sa của dòng sông Gianh chảy dọc để trồng trọt. Người Hạ Trạch có thể không nổi tiếng giàu có, nhưng không chịu “thua” ai về khoản hiếu kính với tổ tiên. “Việc xây nhà thờ bắt đầu từ xưa là minh chứng cho việc người dân làng Cao Lao Hạ xưa đã hiểu được đạo lý thờ phụng, biết ơn đến tổ tiên, biết ơn người đã khai canh lập địa”, ông Lâm nói.
Điều đặc biệt, các nhà thờ họ tại Hạ Trạch không chỉ mở cửa vào những ngày cúng riêng của mỗi dòng họ, mà còn “mở hội chung” mỗi năm 2 lần gồm lễ Thanh minh vào dịp 15.3 âm lịch và lễ cúng Cồn Cui vào 16.6 âm lịch. Ông Lê Quang Châu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hạ Trạch, cho hay vào những ngày đó, cả ngàn con em Hạ Trạch ở địa phương cũng như mọi miền đổ về “con đường tiền tỉ”, áo quần xúng xính như trẩy hội, cùng vui chơi, ăn uống, ca múa. “Vậy mới nói, với rất nhiều thế hệ dân làng Hạ Trạch, dù có ở đâu, làm gì thì những ngôi nhà thờ họ là nơi để họ trở về”, ông Châu chia sẻ.
(còn tiếp)