Quá trình chọn bối cảnh phim Cám kéo dài khoảng 3 tháng.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, phim Cám có 4 bối cảnh chính, trong đó 3 bối cảnh quay ở Quảng Trị, bao gồm: đình làng Hà Trung, đầm sen Trường Phước và rừng tràm ngập mặn.
Đình làng Hà Trung là nơi ghi hình cảnh ngày hội, cũng như một số sinh hoạt quan trọng trong làng. Đạo diễn chọn nơi đây vì còn lưu giữ được nhiều kiến trúc cổ phù hợp cho bộ phim cổ trang. Đình làng Hà Trung sở hữu kiến trúc nhà rường đặc trưng của Việt Nam với hệ thống cột, kèo gỗ chắc chắn. Ngôi đình được bao quanh bởi tường rào, cổng trụ và bức bình phong uy nghiêm, mang đậm dấu ấn thời gian. Điểm nhấn của đình là hệ thống mái ngói cong vút, đầu đao chạm khắc tinh xảo.
Theo Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, làng Hà Trung được tạo lập vào cuối thế kỷ 15. Đến thế kỷ 19, ngôi làng trải qua một cuộc đại trùng tu. Đây được xem là không gian văn hóa đi cùng lịch sử làng, cũng như thể hiện nghệ thuật kiến trúc đình làng của vùng đất này.
Đầm sen Trường Phước thuộc huyện Hải Lăng, nổi bật với hồ sen bạt ngàn. Đạo diễn Trần Hữu Tấn tiết lộ đoàn phim đã ghi hình 2 cảnh quan trọng ở đây: phân đoạn Tấm, Cám cùng tắm ở ao sen và cảnh quay Tấm có điệu múa trên ao sen.
Còn rừng tràm ngập mặn (thuộc huyện Gio Linh) được chọn vì phù hợp với phân đoạn rừng hiến tế. “Tôi rất thích hình thù co quắp của những cành cây ở đây, lớp vỏ cây lúc nào cũng bong tróc lả tả, cũng như vẻ âm u về đêm. Hy vọng bộ phim sẽ mang đến không khí rùng rợn cho khán giả”, Hữu Tấn nói.
Bối cảnh chính còn lại là làng cổ Phước Tích nằm ở Huế, sát với ranh giới tỉnh Quảng Trị. Đạo diễn chia sẻ: “Đây là ngôi làng hơn 500 năm tuổi, có nhiều ngôi nhà cổ đậm chất kiến trúc của nhà rường, rất độc đáo. Tôi chọn một trong những ngôi nhà đó cho bối cảnh nhà của gia đình Tấm Cám. Cha của Tấm Cám – Hai Hoàng – là một lý trưởng, có cuộc sống dư dả, có kẻ hầu người hạ. Tuy nhiên nhiều bi kịch đã diễn ra trong ngôi nhà này”.
Làng cổ Phước Tích được thành lập từ nhiều thế kỷ trước dưới triều Lê, hiện nằm cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía bắc. Đây là ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước công nhận, cấp bằng di tích quốc gia, sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ngoài những ngôi nhà cổ, làng còn có cảnh quan thiên nhiên yên bình với nhiều cây xanh và sông nước, phù hợp để ghi hình một số cảnh sinh hoạt trong làng.
Ngoài ra, một điều đặc biệt thú vị là trong làng Phước Tích có cây thị cổ thụ trên 600 năm tuổi mọc từ trước cả khi thành lập làng. Gốc thị cổ này được công nhận là cây di sản và chứng kiến nhiều thăng trầm của ngôi làng. Nhà sản xuất Hoàng Quân cho rằng đây là sự kết nối trùng hợp thú vị, dù đoàn phim Cám không trực tiếp ghi hình ở khu vực quanh miếu cây thị này.
Cám là phim điện ảnh được thực hiện bởi ê kíp phim Tết ở làng địa ngục và Kẻ ăn hồn đều do Trần Hữu Tấn đạo diễn và Hoàng Quân làm nhà sản xuất. Đây là dị bản kinh dị từ truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám, với sự góp mặt của dàn diễn viên: Lâm Thanh Mỹ, Rima Thanh Vy, Thúy Diễm, Quốc Cường, Hải Nam, NSƯT Hạnh Thúy, NSƯT Ngọc Hiệp, Mai Thế Hiệp, Thiên Tú, Trần Doãn Hoàng… Phim sẽ khởi chiếu ngày 20.9.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lang-co-hon-500-nam-vao-phim-cam-co-gi-doc-dao-185240912173002179.htm