Âm thanh làng chạm khắc
Từ trung tâm huyện Kiến Xương theo con đường tỉnh 457 về xã Hồng Thái, đến gần làng Đồng Xâm sẽ nghe văng vẳng âm thanh chạm khắc trong không gian yên bình của vùng quê lúa. Càng tiến sâu vào làng, tiếng đục đẽo, hàn dũa của các thợ chạm khắc càng vang rõ.
Nhóm thợ tại xưởng sản xuất của gia đình ông Đinh Quang Thắng, xã Hồng Thái.
Sinh ra và lớn lên ở làng Đồng Xâm, ông Đinh Quang Thắng (67 tuổi) đã có hơn 40 năm làm nghề chạm bạc. Ông Thắng chia sẻ, theo những ghi chép trong sách sử, làng hình thành vào cuối thời Trần – Hồ, cách đây hơn 600 năm.
Còn theo văn bia tại đền thờ tổ nghề chạm bạc, vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu chính là người đã về đây truyền nghề cho dân, cai quản 7 hạng thợ với 149 người thuộc dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ…
Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng, các nghệ nhân từ Đồng Xâm tỏa ra 4 phương, đem sự tài hoa đi khắp nước. Vào thời Nguyễn, chính các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào tận Huế để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức cho triều đình. Và cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay.
Đòi hỏi kỹ thuật phức tạp
Từ nhỏ đã được ngắm nhìn cha, ông làm nghề, ông Thắng hiểu rõ, chạm bạc là nghề thủ công cao cấp, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, bàn tay tài hoa, đôi mắt nghệ thuật, sự sáng tạo của bộ óc và một số kỹ thuật bí truyền.
Nhà thờ làng nghề Đồng Xâm.
Để hoàn thiện một sản phẩm chạm bạc phải trải qua nhiều công đoạn: Cắt đồng, làm khuôn, thúc tay, chạm trổ, mài, mạ… Trong đó, thúc tay và chạm là công đoạn đòi hỏi sự tập trung nhất.
“Nghệ nhân phải hết sức khéo léo, cẩn thận, không được phép sai dù chỉ một chi tiết nhỏ, nếu không toàn bộ sản phẩm đó coi như phải bỏ”, ông Thắng nói.
Bằng năng khiếu sẵn có, cộng sự tỉ mẩn học hỏi, sự tâm huyết từ thế hệ đi trước, thợ chạm bạc Ðồng Xâm thường làm ra những sản phẩm nổi trội, kiểu thức lạ. Hình khối, trang trí cũng rất tinh vi, cân đối, nhất là ở thủ pháp xử lý sáng – tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.
Thời điểm này, làng Đồng Xâm có thêm nhiều khách tới rục rịch đặt hàng làm quà biếu, đồ trang trí, đồ thờ… cho dịp Tết.
Trong xưởng sản xuất Hợp tác xã Đồng Xâm, những người thợ chăm chú vào từng phần việc của mình, người vẽ mẫu cho sản phẩm mới, người đục chạm, người khắc tỉa cho từng chi tiết để cảnh vật, con người trở nên mềm mại, sống động trên chất liệu khô cứng, vô tri như bạc, đồng.
Ông Nguyễn Văn Thực, một người thợ có tuổi nghề lâu năm của làng cho hay, chạm bạc Đồng Xâm có những thăng trầm nhưng chưa bao giờ hết việc. Ngày nay, chạm bạc ít đi, nhưng thay vào đó là các sản phẩm bằng đồng ra đời, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Sản phẩm thế mạnh của Đồng Xâm xoay quanh chất lượng đồng với phân khúc đồ thờ cúng (đỉnh, vạc, lư hương), những con vật linh thiêng, đồ trang trí, dây chuyền, hoa tai, nhẫn, châm, vòng, thánh giá, lắc và loại hàng mỹ nghệ được sản xuất hàng loạt theo công nghệ dập khuôn trước, thợ thủ công chạm trổ sau.
“Gia đình tôi chuyên gia công làm những sản phẩm có kích thước nhỏ. Thu nhập không cao nhưng mà đều đặn, trung bình mỗi tháng thêm 5-7 triệu đồng/người và vẫn tranh thủ thêm các công việc đồng áng, ruộng vườn”, ông Thực chia sẻ.
Gìn giữ và phát triển
Ông Triệu Đăng Khoa, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Xâm cho biết, trước đây, làng chạm bạc thường chỉ có các sản phẩm trang sức, đồ thờ cúng, hàng lưu niệm nên nghề chưa phát triển. Ngày nay, bất kỳ sản phẩm gì người Đồng Xâm cũng có thể làm được từ kim hoàn như: Vàng, bạc, đồng… theo nhu cầu của thị trường, do đó sản phẩm làng nghề rất đa dạng.
Ông Triệu Đăng Khoa, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Xâm bên tác phẩm “Thuận buồm xuôi gió”.
“Từ các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa như: Đồ trang sức, hàng phục vụ cho đạo Phật, công giáo, người thợ trong làng còn chạm trổ những bức tranh danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở trong nước trên nhiều chất liệu, đặc biệt là từ lá đồng. Đến nay, những người thợ đã ghi dấu ấn trong nghề bằng những sản phẩm từ đôi bàn tay tay khéo léo, điêu luyện ở nhiều đình, chùa, công trình nổi tiếng trong cả nước như: Chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, chùa Ba Vàng”, ông Khoa cho hay.
Ông Vũ Ngọc Riền, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thái thông tin, để giữ gìn và phát huy truyền thống của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, địa phương luôn tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, hỗ trợ cho việc phát triển làng nghề.
Hiện, nghề chạm bạc đã thu hút đến 70% số lao động của xã Hồng Thái, 150 cơ sở sản xuất, khoảng gần 2.000 lao động có thu nhập ổn định. Nhờ có nghề chạm bạc, đời sống của người dân ở làng nghề được cải thiện rõ rệt.
Theo ông Vũ Ngọc Riền, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thái, thời gian tới, UBND xã sẽ kiến nghị với Trung tâm khuyến công của tỉnh mở thêm nhiều lớp truyền nghề, bồi dưỡng kiến thức nghề cho thế hệ trẻ.
“Mới đây, tỉnh Thái Bình đã trao tặng cho làng nghề nhà trưng bày sản phẩm và bằng công nhận làng nghề đạt danh hiệu “Làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp”.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, thời gian tới hy vọng làng nghề chạm bạc Đồng Xâm không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn là điểm đến ấn tượng thu hút du khách”, ông Riền cho biết.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lang-cham-bac-hon-600-nam-tuoi-o-que-lua-192241003224857715.htm