Không biết từ bao giờ ở La Gàn có một dải đất nhô ra mặt biển rồi người dân từ nhiều nơi đến định cư, lập nghiệp. Đa phần là dân chài nối nghiệp cha ông, mua thuyền, sắm thúng hàng ngày ra biển đánh bắt con cá, con tôm; còn một số ít hộ dân khai hoang đất mũi làm rẫy trồng hoa màu.
Dải đất ấy tạo nên hình vòng cung mềm mại chạy dài hơn 2.000m bờ biển, có nơi bãi cát trắng bằng phẳng, bãi sỏi đủ sắc màu, nhưng cũng có chỗ gập ghềnh bởi nhiều tảng đá lớn nối tiếp nhau kéo dài.
Sáng sớm, mặt biển trong xanh, những con sóng bạc đầu không ngừng vỗ vào bờ làm cho bao tảng đá, bãi sỏi thêm bóng bẩy và rực rỡ sắc màu.
Trên mặt biển, hàng trăm chiếc thuyền, thúng chai neo đậu tránh gió để dân chài giặt lưới sau chuyến biển trở về. Trên phần đất lấn ra biển cư dân làng chài La Gàn hối hả với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Những vườn cây trái sum sê trải dài trên đất mũi, xa hơn là rừng dương xanh thẳm bạt ngàn đung đưa trong gió, trên bãi biển nườm nượp du khách tắm biển, tham quan bãi sỏi bảy màu, tiếng sóng biển rì rào, tiếng cười, nói rôm rả…tất cả hòa quyện vào nhau như một bức tranh thiên nhiên đa sắc màu và sống động.
Cuộc sống làng chài mũi La Gàn (xã Bình Thạnh – Tuy Phong) hôm nay đã thay đổi nhiều, khi kinh tế – văn hóa phát triển, địa phương đã khai thác những thế mạnh, thắng cảnh đẹp từ thiên nhiên để phát triển du lịch. Song, trong ký ức của không ít người dân chài lớn tuổi thì mũi La Gàn xưa vẫn đọng lại bao kỷ niệm và nỗi nhớ không thể nào phai mờ. Đó là truyền thống cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân làng chài nơi đây kiên cường, chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát. Sự kiện lịch sử đáng nhớ nhất là vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Mão (1951) giặc Pháp đã đưa một trung đoàn bất ngờ đổ bộ vào làng Cát Bay. Lính Pháp đã giết người, đốt nhà vô cùng dã man. Cuộc thảm sát Cát Bay diễn ra vào lúc hầu hết người trong làng đang ăn cơm sáng chuẩn bị đi làm. Do bất hợp tác với giặc nên chúng đã đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Cuộc thảm sát này, giặc đã giết hại 178 người, làm bị thương hơn 50 người, nhà nào cũng có người chết, bị thương; chúng đốt hơn 200 nóc nhà, giết hàng trăm trâu bò của nhân dân.
Với ý chí kiên cường ấy, sau ngày miền Nam giải phóng 1975, người dân La Gàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Lê Hoàng Quân, lão ngư làng chài La Gàn chia sẻ: “Những năm chiến tranh người dân nơi đây cực khổ lắm, sau ngày đất nước thống nhất làng chài La Gàn mới mở mang nhiều ngành nghề. Trong gia đình chồng đi biển, vợ ở nhà buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, trồng cây ăn quả…Khi du lịch phát triển thì mảnh đất mũi La Gàn được nhiều người biết đến, bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây nhiều danh lam, thắng cảnh tuyệt đẹp cùng với các di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư nâng cấp, đó là bãi đá 7 màu, bãi Cà Dược, đồi sa mạc, bãi đá rêu xanh; bên cạnh đó là di tích chùa Cổ Thạch, đình Bình An, lăng Ông Nam Hải. Ngoài ra, trên mảnh đất mũi La Gàn còn có hai giếng nước lâu đời nằm ven biển thật kỳ diệu. Giếng nằm ngay bãi đá sát biển quanh năm nước ngọt trong vắt, mát lạnh.
Mũi La Gàn hiu hắt ngày trước, nay trở thành vùng quê nhộn nhịp, hối hả…
Những năm gần đây, ngày nước cạn, (ngày đầu tháng và giữa tháng) là thời điểm thích hợp để lữ khách về các bãi đá Cà Dược, bãi đá rêu xanh ven bờ biển vui chơi, ngắm cảnh đẹp. Nhiều người nghỉ lại qua đêm để ngắm bình minh hay trải nghiệm cùng ngư dân làng chài kéo lưới ven bờ, người dân làng chài không chỉ làm nông, đánh bắt hải sản mà còn “bung ra” nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu lữ khách đến tham quan thắng cảnh đẹp của biển Bình Thạnh.