Đầu tư công phu
Làng bè đa sắc màu có vị trí thơ mộng tại ngã ba sông Châu Đốc thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang được Trung tâm Xúc tiến – Thương mai và Đầu tư An Giang thực hiện hoàn thành tháng 12/2023.
Công trình dài hơn 1km với 165 bè nổi mà người dân dùng để nuôi cá, được phủ lên lớn sơn với các màu chủ đạo là đỏ – cam – vàng – lục – lam và tím. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 gần 2,7 tỷ đồng.
Làng nổi cá bè Châu Đốc là làng bè nuôi cá nước ngọt được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đầu nơi đây chỉ có vài bè nổi nuôi cá theo kiểu tự nhiên, không cần cho ăn vì nguồn nước tốt.
Tuy nhiên, từ những năm 70 trở đi, do nguồn lợi kinh tế đem lại cao, số lượng bè cá đã tăng lên đáng kể và dần trở thành trọng điểm kinh tế của An Giang.
Thời kỳ hoàng kim là trong khoảng năm 1990 đến năm 2005, các vùng Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Vĩnh Ngươn có trên 2.000 bè cá với sản lượng trung bình thu hoạch hàng năm trên 20.000 tấn/năm.
Đa phần cá nuôi tại các bè nổi của các vùng đều là các giống cá da trơn như cá tra, cá ba sa, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ.
Hiện nay, việc nuôi cá trên làng bè vẫn được người dân duy trì, đồng thời kết hợp phát triển du lịch nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan đến với vùng sông nước miền Tây, trong đó có tỉnh An Giang.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến – Thương mai và Đầu tư An Giang cho biết, việc hình thành nên làng bè đa sắc màu để phát triển du lịch nhận được sự đồng thuận cao của người dân đang nuôi cá trên bè.
Từ đây, tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng mới để người dân phát triển kinh tế gắn với làng nghề có truyền thống lâu đời ở vùng Bảy Núi – An Giang.
“Điểm khác biệt của làng bè Châu Đốc so với các làng bè khác là ngoài việc nuôi cá thì người dân sinh sống trên bè.
Do vậy, khi làm du lịch thì du khách sẽ có dịp tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về văn hoá của người dân vùng sông nước. Đồng thời, tạo điểm nhấn khác biệt và góp phần tăng thu nhập của người dân”, ông Hiếu cho biết thêm.
Điểm nhấn du lịch miệt sông
Cũng theo ông Hiếu, sản phẩm du lịch mới được An Giang tổ chức có điểm khởi đầu bắt đầu từ làng bè đa sắc màu tại ngã ba sông Châu Đốc.
Sau đó, du khách sẽ được đưa đi bằng thuyền du lịch đến những điểm tham quan khác là làng Chăm, khu du lịch Quốc gia Núi Sam.
Tiếp đến, du khách sẽ được ngồi xe đến điểm tham quan rừng tràm Trà Sư, kênh Vĩnh Tế và chợ Châu Đốc…
“Với những điều thú vị cùng sản phẩm du lịch khép kín như vậy, chúng tôi hi vọng sẽ mang đến nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi du khách có dịp ghé qua tỉnh An Giang”, ông Hiếu nói.
Tham gia cùng đoàn trải nghiệm sản phẩm du lịch mới, nhà báo Thanh Dũng (Báo Nhân Dân) nói: “Thật sự thú vị với sản phẩm du lịch mới này của An Giang khi ngồi trên thuyền bồng bềnh cùng sông nước.
Ngoài ra, khi lên bè, người dân bày trí nhiều sản phẩm quà tặng mang tính đặc trưng của tỉnh sẽ góp phần quảng bá hình ảnh địa phương”.
Anh Dương Trần Duy (40 tuổi, ngụ thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) – khách theo đoàn trải nghiệm sản phẩm du lịch mới làng bè đa sắc màu Châu Đốc cho biết, An Giang có rất nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, nay thêm sản phẩm du lịch cộng đồng sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách có dịp ghé qua vùng đất Bảy Núi – An Giang.
Anh Duy nói: “Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm sản phẩm du lịch như thế này với làng bè đủ màu sắc nổi trên sông rất bắt mắt.
Điều thú vị hơn là được xem và tận mắt chứng kiến quy trình nuôi cá và đời sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước miền Tây”.
Với thế mạnh là du lịch tâm linh cùng nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, năm 2023, tỉnh An Giang đón hơn 7,5 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu nét đặc trưng vùng Bảy Núi – An Giang.