Xếp hàng chờ bánh chín
Ngày 13.6 (tức mùng 4 tháng 5 âm lịch), khi qua tuyến đường Hùng Vương (T.T Ái Nghĩa), dễ dàng bắt gặp những nồi bánh cỡ lớn, nghi ngút khói được người dân nổi lửa suốt ngày đêm. Người vớt bánh, kẻ miệt mài thổi lửa để những mẻ bánh cho mùng 5 tháng 5 kịp chín.
|
|
|
Tỉ mẩn gói những chiếc bánh ú tro, món đặc trưng trong ngày tết Đoan Ngọ, bà Hòa Thị Bảy (70 tuổi, trú thôn Nghĩa Hiệp, T.T Ái Nghĩa, H.Đại Lộc, với gần 20 năm làm nghề bánh ú tro) cho biết vào đầu tháng 4 âm lịch, để chuẩn bị làm bánh tro, người dân địa phương thức giấc từ 2-3 giờ sáng để dọc lên miền núi của tỉnh Quảng Nam hái lá đót (lá tre lồ ô – PV) mang về gói bánh.
“Ở đây, vào dịp tết Đoan Ngọ, gói bánh tro người ta tính mỗi nhà có hàng tấn nếp. Đặc biệt, nếp để gói bánh phải chọn loại nếp thơm, dẻo, hạt tròn mẩy, phải trắng đục để khi gói bánh mới mềm, mịn hơn. Quan trọng hơn hết, nước tro ngâm từ lá thị, lá mè qua một đêm để lấy nước trong, rồi cho nếp đã vo sạch vào ngâm khoảng một buổi cho hạt nếp ngậm nước tro, màu của bánh ú tro cũng tạo nên nét đặc trưng riêng cho bánh ú tro Quảng Nam”, bà Bảy nói.
Bà Nguyễn Thị Chiến (T.T Ái Nghĩa, H.Đại Lộc) hơn 1 tuần qua cùng với hai con (đang học THPT đi gói bánh ú tro thuê từ sáng đến chiều để kiếm tiền. “Mỗi ngày 3 mẹ con chúng tôi gói bánh từ sáng đến chiều, ngày cận tết Đoan Ngọ gia đình tôi nhận nếp về nhà gói bánh xuyên đêm kiếm tiền để các con nộp tiền học hè, để dành sắm đồ cho năm học mới”, bà Chiến tâm sự.
|
|
|
Người gói bánh ú tro thoăn thoắt đôi tay để kịp giờ nổi lửa, không khí làm việc khẩn trương hết sức. Phía bên ngoài lề đường các tiểu thương, những người phụ nữ “2 sọt” đứng chờ đến giờ mở nắp nồi. Theo chị Phan Thị Định (trú H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), mặc dù là bạn hàng nhiều năm, nhưng khi đến nhận bánh để chở ra TP.Đà Nẵng bán thì chị Định phải chờ hàng giờ liền vì bánh quá “hiếm”.
“Tôi cũng như những tiểu thương khác, một năm được vài ngày bán bánh ú tro, ngày cận Tết Đoan ngọ tôi bán từ 2.000 – 4.000 bánh ú tro. Đa phần bỏ sỉ cho các chợ như: chợ Đầu Mối, chợ Đống Đa… ở TP.Đà Nẵng. Người bán bánh gói, nấu không kịp nên chuyện xếp hàng đứng chờ bánh chín là chuyện thường. Có năm, đứng tới khuya chờ dở nắp nồi xong giành nhau những gói bánh nghi ngút khói chở thẳng ra TP.Đà Nẵng bán cho kịp cúng mùng 5”, chị Định kể.
|
|
|
Trắng đêm nổi lửa giữ nghề bánh ú tro
Là gia đình có truyền thống làm bánh ú nước tro từ bao đời nay, những ngày này, nhà anh Đỗ Ngọc Đông (trú thôn Nghĩa Hiệp, T.T Ái Nghĩa) ngày nào cũng có từ 10-15 người đến nhận gói bánh thuê để kịp cung ứng ra thị trường.
|
|
Hì hục đẩy thân củi to vào lò, anh Đông ngẩn mặt kể, mỗi ngày cơ sở anh cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn bánh ú tro, chủ yếu ở Quảng Nam, Đà Nẵng và có khách đặt hàng chuyển đi tận tỉnh Lâm Đồng.
“Với giá bán dao động từ 11.000 đồng/10 cái cho đến 60.000 đồng/10 cái tùy theo loại, mỗi năm chỉ cháy hàng được chừng 3 – 4 ngày, chúng tôi nổi lửa suốt đêm mới kịp bánh giao cho khách. Vừa giữ nghề truyền thống vừa là dịp để người dân nơi kiếm thêm thu nhập”, anh Đông nói.
|
|
“Khi dịch bệnh tái bùng phát ở Quảng Nam và Đà Nẵng, chủ lò bánh ú tro chúng tôi lo lắng vô cùng vì tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị, lá dong được đặt hàng từ trên núi đã chở xuống. Sợ thị trường ế ẩm, nhưng đầu tháng 5 âm lịch, nghe tin TP.Đà Nẵng đã dập dịch, Quảng Nam tình hình dịch kiểm soát tốt, tiểu thương đặt hàng gấp rút với số lượng lớn nên cả làng thức trắng đêm làm bánh. Tết Đoan Ngọ giữa dịch bệnh thật đáng nhớ và hồi hộp…”, anh Đông cười nói.
|