Là một trong các làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở TPHCM, những ngày này, hàng trăm lò bánh tráng của người dân ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) tất bật sản xuất phục vụ nhu cầu cuối năm.
Sau khi được công nhận là làng nghề truyền thống, người dân làm bánh tráng Phú Hòa Đông như được thêm cú hích với các chế độ ưu đãi và mở rộng liên kết du lịch làng nghề.
Cách trung tâm TPHCM khoảng hơn 40km, Phú Hòa Đông là một xã nằm ven sông Sài Gòn nổi tiếng từ lâu với nghề làm bánh tráng thủ công truyền thống. Nếu như nhiều làng nghề thủ công truyền thống ở TPHCM (và nhiều tỉnh, thành khác) đang dần mai một, thậm chí biến mất vì không thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp cùng loại thì nghề làm bánh tráng đã từng bước thích nghi được. Nhiều nông dân sản xuất bánh tráng ở Phú Hòa Đông đã cải tiến công nghệ, đưa máy móc vào thay thế sức người ở một số công đoạn nhằm tạo ra năng suất cao hơn. Nhiều lò sản xuất hàng tấn bánh tráng mỗi ngày ở Phú Hòa Đông nhưng cũng có nhiều lò vẫn sản xuất theo cách truyền thống cũ để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của thị trường.
Không ai biết chính xác nghề làm bánh tráng ở Phú Hòa Đông có từ bao giờ. Nhưng một số lò bánh tráng được truyền từ đời nay qua đời khác có thời gian lên đến 70 – 80 năm. Bà Nguyễn Thị Thu (61 tuổi), một thợ làm bánh tráng ở ấp Cây Trâm (xã Phú Hòa Đông) cho biết, bà ở Trung An nhưng lấy chồng về Phú Hòa Đông và được mẹ chồng truyền lại cho nghề phết bánh tráng.
“Bánh tráng ở đây làm bằng nguyên liệu chính là bột gạo. Ngày xưa thì sử dụng bột gạo thường cùng một ít bột nếp để cho bánh dẻo và thơm hơn. Ngày nay nhu cầu khác đi, một số lò sử dụng bột mì và bột gạo, cũng có thể cả bột nếp nữa tuỳ theo thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra còn có thêm một số phụ liệu khác như nước dừa, muối, đường, mè… tùy theo. Như gia đình tôi làm bỏ mối quen ở các chợ truyền thống thì chỉ làm bằng bột gạo, không sử dụng bột mì” – bà Thu cho biết. Theo bà Thu, dịp Tết nhu cầu sử dụng bánh tráng tăng nhiều nên bà cũng tăng thêm sản phẩm. Nếu ngày thường chỉ phết khoảng 18 – 20kg gạo thì thời gian này số nguyên liệu tăng lên khoảng 25kg và có thể tăng thêm những ngày cận Tết.
Tương tự, một số hộ dân làm nghề sản xuất bánh tráng ở Phú Hòa Đông cho biết vài năm gần đây, họ còn thu được lợi nhuận từ việc liên kết với các hãng lữ hành để phục vụ khách du lịch. Theo đó, bên cạnh tour tham quan địa đạo Củ Chi nổi tiếng với hàng triệu lượt khách mỗi năm, rất nhiều người đã lựa chọn tới làng bánh tráng Phú Hòa Đông (nằm khá gần địa đạo) để trải nghiệm thêm về cuộc sống, làng nghề của người dân địa phương. Hình ảnh những người nông dân xay bột, tráng bột, hấp bánh, phơi bánh trên những con đường ở Phú Hòa Đông đã thu hút và mang tới nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Thu nhập từ liên kết du lịch cũng giúp người làm bánh tráng thoải mái hơn bên cạnh sản phẩm thông thường. Hơn nữa, vào giữa tháng 10/2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định công nhận nghề làm bánh tráng Phú Hòa Đông là làng nghề truyền thống ở TPHCM. Đây là cú hích giúp những nông dân làng nghề có thêm động lực để gắn bó với nghề và nhận được một số ưu đãi theo quy định cũng như tăng thương hiệu. Trong bối cảnh nhiều nghề truyền thống gặp khó, nghề bánh tráng Phú Hòa Đông không những giữ gìn được bản sắc mà còn thích ứng được với sự phát triển của xã hội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những hộ sản xuất bánh tráng theo cách truyền thống thủ công thì nhiều lò có quy mô lớn đã thay thế sức người ở một số công đoạn. Đó là xay bột, trộn bột, hấp bánh, cắt bánh hay đóng gói sản phẩm… Những lò này có thể cung cấp cho thị trường hàng trăm kilogam bánh tráng. Tuy nhiên, quy trình sản xuất bánh tráng vẫn cần có sự tham gia của bàn tay con người, nhất là giai đoạn tráng bánh, đổ bột, hấp bánh… để có được sản phẩm tốt nhất.
Theo ông Trần Châu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hòa Đông, địa phương hiện có khoảng 100 lò sản xuất bánh tráng theo hai hình thức là bằng máy và tay truyền thống. Sản lượng bánh tráng mỗi ngày khoảng 40 tấn, với hai phần ba là xuất khẩu. Nghề làm bánh tráng cũng giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động ở địa phương, mang tới thu nhập ổn định đáng kể cho người dân. Ngoài ra, nhờ liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích nên sản phẩm của nông dân cũng có nguồn tiêu thụ ổn định.
Nguồn: https://daidoanket.vn/lang-banh-trang-tat-bat-cuoi-nam-10296278.html