Làng Tranh Khúc thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Nam, nơi đây có nghề làm bánh chưng mang tính gia truyền.
Đến nay, những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm không chỉ được người dân Hà Nội ưa chuộng, mà còn được người dân nhiều nơi biết tiếng. Những người gói bánh chuyên nghiệp ở Tranh Khúc không cần dùng khuôn mà vẫn gói được những chiếc bánh vuông, đều, đẹp. Khi gói, người thợ thường gói chặt tay, đúng quy cách, đúng trọng lượng, luộc phải đủ giờ. Làm bánh chưng tưởng như đơn giản nhưng thực ra đòi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần kỹ thuật không đúng như: lá không sạch, than nấu kém chất lượng, pha nước không đúng giờ cũng ảnh hưởng đến sản phẩm.
Làm bánh có nhiều công đoạn, lại làm với số lượng nhiều nên hầu hết các thành viên trong gia đình đều tham gia. Người già, trẻ em thì rửa lá, xếp lá, đánh nhuyễn đỗ, thanh niên thì làm những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật và sức lực nhiều hơn.
Bí quyết làm bánh chưng của làng cũng từ các nguyên liệu: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn gói trong lá dong. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu.
Đơn giản như việc chọn số lượng lá cũng phải xem thời tiết. Nếu thời tiết thuận, lạnh chỉ cần vừa lá, thông thường gói bộ cần 6 lá. Nhưng những khi trời nồm và nóng thì phải gói dầy lá lên, có khi phải gói 10 lá. Như thế việc bảo quản bánh sẽ tốt hơn.
Người dân trong làng thường chọn loại nếp cái hoa vàng của Hải Hậu để làm nhân bánh vì gạo của vùng này có hạt tròn, thơm, dẻo trắng, đều, không gãy. Trước khi gói bánh chỉ cần vo sạch gạo trước một giờ để ráo, không cần ngâm gạo qua đêm. Đậu xanh cũng phải chọn loại ngon, dẻo. Trước đây khi chưa có đậu vỡ sẵn, dân làng thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu, ngon và thơm ngậy hơn loại đậu mỡ hạt to, lại bở và dẻo.
Bánh chưng muốn ngon, ngậy một phần cũng do thịt lợn, thường là loại thịt ba chỉ. Khi làm nhân, trần qua nước nóng trước khi thái, miếng thịt vừa sạch lại cứng, ướp hạt tiêu, mắm muối. Bánh phải gói chặt tay, buộc chặt rồi luộc 8-10 tiếng. Khi bánh chín, người thợ thường rửa qua nước lạnh cho bánh sạch, lá không bị khô và xấu. Sau đó dùng một tấm phên chèn để bánh nở đều, các góc chặt như nhau.Thường công đoạn làm lá được tiến hành buổi sáng, chiều mới gói, và cuối buổi chiều thì bắc bếp. Tối đến, bếp nhà nào nhà nấy bập bùng suốt đêm. Sáng ra, bánh được vớt, ép và đưa đi. Bánh chưng ngon là khi cắt ra phải chắc nhưng hạt gạo mềm và dẻo, ăn vào có vị thơm và béo ngậy.
Không khí xuân đã tràn ngập khắp từng ngõ nghách của Hà Nội, chính vì thế những người dân trong làng cũng khẩn trương hơn với việc gói bánh và chuyển bánh đi khắp các phố phường, phục vụ nhu cầu sắm Tết và ăn Tết của người dân thủ đô.