Làng “âm phủ” Phúc Am những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, được mệnh danh là thủ phủ vàng mã nổi tiếng.
Để phục vụ nhu cầu của người dân dịp cuối năm, người làng Phúc Am từ nửa tháng nay đã tăng tốc sản xuất vàng mã. Thời điểm cận Tết cũng là lúc người dân bận rộn nhất vì phải vừa làm vừa dự trữ để phục vụ thị trường trước và sau Tết.
Sản phẩm vàng mã làng Phúc Am chủ yếu gồm hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng, hình nhân, bà Chúa, ông Hoàng, ông Công, ông Táo với độ chế tác tỉ mỉ, cầu kỳ.
Ông Hùng, một người gắn bó với nghề vàng mã lâu năm cho biết: “Làng Phúc Am trước đây được biết đến với nghề đan rổ, rá. Sau khi mặt hàng này không còn được ưa chuộng, dân làng bắt đầu chuyển sang làm vàng mã”.
Ngày 23 âm lịch sắp tới, nhiều hộ gia đình đang vội vã chế tạo những bộ vàng mã ông Công, ông Táo để kipk cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên, nhiều người chia sẻ, do kinh tế khó khăn nên không riêng gì đồ ông Công, ông Táo mà gần như tất cả sản phẩm vàng mã năm nay đều bán chậm, lượng tiêu thụ chỉ bằng 2/3 so với năm trước.
Người dân làng vàng mã Phúc Am thường chia công đoạn sản xuất theo từng nhà, nhà thì làm phần khung, nhà thì dán giấy, đính kim tuyến.
Các sản phẩm đều được làm thủ công cầu kỳ, màu sắc bắt mắt trên từng chi tiết. Mỗi bộ ông Công, ông Táo được bán ra thị trường với giá 100.000 – 200.000 đồng/bộ.
Vàng mã được chất đầy xe để trả đơn hàng cho các thương lái trong dịp Tết Nguyên đán.
Những ngày cận Tết, người dân làng Phúc Am chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành trả đơn hàng Tết.
Vàng mã trải khắp con đường, ngõ xóm trong làng.
Nhiều khách hàng đến tận làng Phúc Am để chọn lựa vàng mã.
Thời điểm giáp Tết âm lịch là lúc người dân làng Phúc Am bận rộn nhất, vừa phải chuẩn bị hàng cho ông Công, ông Táo vừa phải làm hàng dự trữ cho nhu cầu cúng lễ của người dân trong suốt 3 tháng đầu xuân.