Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lan tỏa ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 3

Việt NamViệt Nam16/03/2024

Tại Ninh Bình, Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm đem đến một môi trường sống, sinh hoạt, học tập thực sự an toàn, lành mạnh, hạnh phúc… Thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non là "Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm", các trường mầm non trong tỉnh đã có nhiều đổi mới nhằm tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để trẻ cảm nhận được niềm vui, hứng khởi mỗi ngày đến trường. 

Tại Trường Mầm non Nam Sơn (thành phố Tam Điệp), đổi mới phương pháp giáo dục chính là một trong những nội dung quan trọng của việc xây dựng "Trường mầm non hạnh phúc". Cô giáo Vũ Thị Tam Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sơn cho biết: Với 382 trẻ, 17 nhóm lớp, những năm học qua, Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường phát triển toàn diện và kích thích hứng thú học tập, vui chơi cho trẻ. 

Năm học 2023-2024, Nhà trường đã triển khai đổi mới phương pháp giáo dục, xây dựng lớp điểm giáo dục STEAM tại 2 lớp 5 tuổi để nhân rộng. Thực hiện đổi mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường có sự đầu tư đồng bộ hơn, đồ dùng, đồ chơi trong dạy học không còn là những đồ dùng làm sẵn như trước mà là các nguyên liệu có sẵn thực tế trong cuộc sống để trẻ dễ tiếp cận, dễ hiểu. Ngay từ đội ngũ giáo viên cũng nỗ lực học hỏi, tìm tòi tài liệu, tham gia tập huấn chuyên đề để nắm vững những kiến thức của phương pháp giáo dục tiên tiến, ứng dụng hiệu quả vào giảng dạy. 

Cô giáo Dương Thị Loan, giáo viên lớp 5 tuổi A cho biết: Là người gần gũi với trẻ nhất, mỗi giáo viên chúng tôi làm sao để khi truyền đạt kiến thức bài học cho trẻ dễ hiểu, kích thích sự chủ động, sáng tạo của trẻ và để đem lại những tiết học vui tươi, ý nghĩa. Bên cạnh đó, thái độ ân cần, dịu dàng của cô cũng sẽ làm cho trẻ cảm thấy thoái mái, tự tin hơn. Do đó, đến trường mỗi ngày với nhiều trẻ tại Trường Mầm non Nam Sơn luôn là một ngày vui bởi các em được vui chơi, học tập kiến thức đúng với lứa tuổi, được trau dồi những kỹ năng sống ngoài khu vực trường học như: làm bánh, nhặt rau, trồng hoa… Đối với đội ngũ giáo viên, được làm việc trong môi trường ngôi trường hạnh phúc cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi giáo viên. 

Lan tỏa ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc 203
Gia đình 4 thế hệ của chị Nguyễn Thị Tịnh, anh Đàm Xuân Vinh (phố Bắc Thành, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình). Ảnh: Minh Quang

 

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tịnh (phố Bắc Thành, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình), nếp nhà xưa luôn rộn rã tiếng cười nói của 4 thế hệ cùng chung sống. Đón khách đến chơi, cả gia đình chị Tịnh gồm mẹ chồng chị, hai vợ chồng chị Tịnh, con gái và cháu nội đều có mặt. 

Chị Tịnh chia sẻ: Gia đình tôi trước làm nông nghiệp, mẹ chồng tôi 70 tuổi vẫn còn chăm chỉ cấy hái nên bà luôn là tấm gương để con cháu học tập. Sau khi diện tích ruộng không còn, vợ chồng tôi chuyển sang làm thuê các nghề, lúc chồng làm thợ xây thì tôi làm thợ phụ, rồi buôn bán nhỏ. Bao năm vất vả nhưng vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng vì tương lai các con. 

Hiện giờ, với hàng xóm ở phố Bắc Thành, gia đình chị Tịnh luôn là gia đình hạnh phúc tiêu biểu để mọi người nhìn vào học tập. 3 người con của anh chị đều được học hành, thành đạt: 1 con trai đang công tác tại Hà Nội, 1 con trai đang ở Nhật, cô con gái công tác tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh. Từ hôm Tết ra đến giờ, chị Tịnh còn trở thành "người mẹ thứ hai" của cậu cháu nội 7 tháng tuổi khi bố mẹ cháu gửi con cho ông bà để sang Nhật làm việc. Bận rộn với việc nhà là thế nhưng chị Tịnh luôn là người vui vẻ, lạc quan, vẫn dành thời gian tham gia các phong trào, hoạt động của chi hội phụ nữ phố. 

Anh Đàm Xuân Vịnh, chồng chị Tịnh dù là lao động tự do nhưng cũng nhiệt tình với các hoạt động của chi hội phụ nữ. Những dịp chi hội tổ chức văn nghệ, thể thao, anh cũng ra phụ giúp dọn dẹp, sắp đặt loa đài để chị em biểu diễn. 

Nói về con dâu, bà Nguyễn Thị Đoan, năm nay 87 tuổi chia sẻ: Làm dâu gần 40 năm nhưng mẹ chồng-con dâu không có khoảng cách vì đã coi như con gái mình. Được chứng kiến các cháu nội của mình trưởng thành, thành đạt, tôi luôn hạnh phúc và mãn nguyện bởi các cháu của mình đã được nuôi dưỡng từ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của ông bà, bố mẹ… 

Những năm qua, việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh được Hội Phụ nữ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về gia đình, trẻ em, vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội với nhiều hình thức phong phú, nội dung thiết thực. Nhiều hoạt động như: Chăm sóc các tuyến đường hoa, đường cây phụ nữ, chỉnh trang nhà cửa, treo cờ Tổ quốc; thi nấu ăn "Bữa cơm gia đình", giao lưu "Gắn kết yêu thương", "Hạnh phúc hay không do ta quyết định"… đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên, phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Tháng 6/2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. 

Ngày 26/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm" nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 

Từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 

Để ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực, những năm qua các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, trường học trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần để từng bước xây dựng một xã hội, cộng đồng hạnh phúc. 

Đồng thời, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", nhiều tập thể, cá nhân đã cùng chung tay chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, để có thêm nhiều cá nhân hạnh phúc, gia đình hạnh phúc… 

Bùi Diệu


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cô gái Điện Biên khổ luyện nhảy dù 4 tháng để lấy 3 giây đáng nhớ 'trên trời'
Ký ức ngày thống nhất
10 trực thăng kéo cờ tập luyện chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Tự hào vết thương chiến tranh sau 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm