Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội), từng có nhiều năm công tác và ghi dấu ấn ở lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, xúc tiến thương mại, ít ai nghĩ sau này tiến sĩ, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển lại lựa chọn con đường trở thành người thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Với ông, đây là lẽ sống, cũng là sứ mệnh của người luôn khao khát quảng bá vẻ đẹp văn hóa truyền thống đất nước đến với bạn bè quốc tế.
Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển thực hiện giá hầu Chúa Thượng Ngàn. (Ảnh TL) |
Sinh ra tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội), trong một gia đình có truyền thống thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, ngay khi còn nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển đã được ông bà, cha mẹ cho đi dự nhiều khóa lễ, giá hầu, cho nên những mảng màu rực rỡ của nghi thức diễn xướng, hình ảnh cao đẹp của những vị thánh nhân đất Việt đã thu hút và in sâu vào tâm trí ông từ những ngày thơ bé.
Mỗi lần đến đền, phủ, cậu bé Nguyễn Đức Hiển lại tìm thấy một cảm giác an yên, tĩnh tâm đặc biệt. Hễ cứ rảnh rỗi, cậu lại rủ bạn bè lên phủ Tây Hồ hoặc tới các đền, phủ vãn cảnh. Tình yêu với tín ngưỡng thờ Mẫu cứ thế được hình thành và lớn dần trong nghệ nhân như một lẽ tự nhiên.
Ấy cũng là lý do dù tốt nghiệp đại học loại giỏi, đủ điều kiện ở lại trường giảng dạy, tiếp đó có tới 6 năm công tác ở Bộ Ngoại giao với vai trò cán bộ thương vụ ở Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, từng trúng học bổng học thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục và văn hóa tại Thụy Điển, học thạc sĩ chuyên ngành kinh tế tại Australia, tiếp đó là tiến sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục tại Pháp, thậm chí có cả một công ty riêng chuyên về đào tạo quốc tế và tư vấn du học, ông vẫn quyết định trở thành một đồng thầy từ năm 2005.
Điều đáng trân trọng là bên cạnh việc tham gia bảo tồn giá trị văn hóa thờ Mẫu thông qua thực hành tín ngưỡng, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển còn là một trong những gương mặt tích cực nhất trên hành trình đưa vẻ đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu vượt qua biên giới Việt Nam.
Với khả năng ngoại ngữ, kỹ năng ngoại giao đã được tôi luyện trong suốt quá trình trưởng thành, ông thường được các tổng lãnh sự, đại sứ quán, tổ chức giao lưu văn hóa quốc tế mời sang các nước giới thiệu về văn hóa thờ Mẫu Việt Nam, đặc biệt từ khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.
Đến với các quốc gia như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ…, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển thường trực tiếp chia sẻ bằng tiếng Anh về vẻ đẹp của di sản, về tính cách, công trạng của các vị thánh tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ Mẫu, sau đó cùng các cung văn, hầu dâng diễn xướng nghi thức hầu đồng để bạn bè quốc tế cảm nhận rõ hơn giá trị cũng như vẻ đẹp về cả trang phục, âm nhạc… trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
“Trong không gian vừa mang màu sắc tâm linh, vừa thấm đẫm giá trị nghệ thuật, khoảng cách giữa những con người ở các quốc gia, các nền văn hóa khác nhau dường như bị xóa nhòa. Những người bạn nước ngoài khi xem diễn xướng tỏ ra đặc biệt thích thú, nhất là với yếu tố âm nhạc trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là điều khiến tôi vô cùng tự hào” – nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển chia sẻ.
Ông cũng tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, đóng góp nhiều tham luận, bài báo, bài nghiên cứu liên quan, đồng thời là gương mặt quen thuộc của các kênh truyền hình trong nước, quốc tế với những trao đổi về văn hóa tâm linh.
Ông còn là người đầu tiên đưa khăn chầu, áo ngự lên sàn diễn thời trang quốc tế trong chương trình “Tuần lễ thời trang và làm đẹp quốc tế tại Việt Nam”. Cảm giác như, ông chưa từng bỏ lỡ bất kỳ một “cánh cửa” nào để quảng bá vẻ đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu. Dù ở bất kỳ “sân chơi” nào, người ta cũng luôn bắt gặp một nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển luôn cháy hết mình với tình yêu di sản văn hóa mà ông đã chọn làm lẽ sống.
Đặc biệt, với mong muốn tạo ra một không gian tâm linh ấm cúng để mọi người đến hành lễ có cảm giác như được trở về nhà, cũng là không gian văn hóa để học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, du khách quốc tế có thể đến tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển đã dành tâm huyết xây dựng phủ Tiên Hương (xóm 7, xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội) từ năm 2013.
Phủ được xây và hoàn thiện trong suốt 3 năm, với cấu trúc ngôi điện hình chữ Đinh và hai nhà ngang thờ thần linh, Thành Hoàng cùng tổ tiên các dòng họ. Khu thờ chính của phủ được xây dựng với hai tầng. Tầng một là nơi trưng bày các đồ đạc tâm linh và phòng tiếp khách, trang trí theo lối cổ điển và hiện đại. Tầng hai là hệ thống điện phủ thờ Thánh và thờ Mẫu Liễu Hạnh, có 5 gian thờ chính, mỗi ban thờ đều có các cửa võng, hoành phi và câu đối theo lối cổ Việt Nam.
Năm 2018, khi thực hiện chương trình “Destination Hanoi”, kênh truyền hình nổi tiếng CNN của Mỹ đã lựa chọn phủ Tiên Hương cùng phần trình diễn hầu đồng của nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển tại phủ để phát sóng giới thiệu về tín ngưỡng dân gian độc đáo của Việt Nam.
Tháng 10/2023, phủ Tiên Hương được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận là Di sản văn hóa tâm linh. Và mới đây, tháng 1/2024, phủ vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục là phủ thờ Mẫu có hệ thống cửa võng độc đáo, trang trí nhiều họa tiết chư Tiên, chư Thần, chư Thánh trong hệ thống Tam phủ, Tứ phủ.
Không chỉ là người nổi tiếng trong giới hoằng dương thờ Mẫu, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển còn là nhà nghiên cứu về Phật giáo. Ông hiện đang là nghiên cứu sinh Phật học tại Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông cho biết, càng nghiên cứu, ông càng nhận thấy sự giao thoa, hòa quyện giữa tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam và đạo Phật. “Bằng chứng cho thấy chùa nào thờ Phật thì hay có ban Mẫu, ngược lại đền nào thờ Thánh Mẫu cũng đều có ban thờ Phật. Đây là nét rất hay và độc đáo của văn hóa Việt Nam” – nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển cho hay. Chưa bao giờ hết tâm huyết với công tác giáo dục, ông là diễn giả quen thuộc được nhiều trường đại học mời chia sẻ về những giá trị cốt lõi của đạo Phật, tín ngưỡng thờ Mẫu, từ đó bồi đắp tâm hồn, lối sống tích cực cho học sinh, sinh viên Việt Nam.
Ông thường xuyên có những buổi tư vấn cho đối tượng người trưởng thành là phụ huynh hay doanh nhân về kỹ năng sống, cách nắm bắt tâm lý con cái, cách xây dựng văn hóa, hình ảnh doanh nghiệp… Trước tình trạng xuất hiện những hiện tượng tâm linh mang màu sắc mê tín trên không gian mạng xã hội thời gian qua, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển đang xây dựng kênh YouTube cá nhân để chia sẻ kiến thức về văn hóa tâm linh, góp phần bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan cũng như những cách hiểu sai khi thực hành tín ngưỡng.