(Dân trí) – Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) năm 2023 đã có sức lan tỏa sâu sắc tình yêu tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng kiều bào xa xứ.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Ảnh: Đức Hoàng).
“Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là kết tinh của hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, của lao động và phát triển”, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN phát biểu ngày 8/9 trong Hội thảo tổng kết triển khai Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2023.
Tham dự Hội thảo kết hợp 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến còn có ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, 80 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; các chuyên gia, giảng viên về ngôn ngữ và văn hóa cùng các kiều bào từ 50 điểm cầu tại nhiều quốc gia.
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: “Đối với cộng đồng NVNONN đang phát triển mạnh mẽ với gần 6 triệu người đang sinh sống ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa.
Tiếng Việt giúp đồng bào ở nước ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa riêng, tự tin phát triển và hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là nhịp cầu thân thương nối liền đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với nhau và với Tổ quốc”.
Hội thảo đã tổng kết, đánh giá kết quả triển khai tổ chức các hoạt động liên quan đến Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023 của các bộ, ban, ngành, địa phương và các bên liên quan ở trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định song song với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, công tác tiếng Việt luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, được khẳng định thành chủ trương nhất quán, và nêu thành nhiệm vụ cụ thể trong các văn bản chỉ đạo.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tiếng Việt đối mặt với nguy cơ mai một, mất dần sự trong sáng khi thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài bị ảnh hưởng, tác động bởi văn hóa sở tại.
Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2022 có thể coi là đột phá trong công tác này, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.
Năm 2023 là năm đầu tiên tổ chức triển khai Đề án, ghi dấu ấn với những hoạt động tôn vinh tiếng Việt được triển khai đồng bộ với quy mô rộng khắp ở cả trong và ngoài nước, với sự chung tay và tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt là của bà con ta ở nước ngoài.
Đề án đã trở thành sự kiện thu hút cộng đồng NVNONN, tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 10 tham luận từ đại diện các bộ; các cơ quan, tổ chức; các chuyên gia; đại diện các cơ quan đại diện và kiều bào tại các nước.
Các tham luận nêu rõ tình hình triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong năm 2023; thuận lợi và khó khăn trong hoạt động gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài; và đề xuất các phương hướng cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024.
Thúc đẩy tình yêu tiếng mẹ đẻ với cộng đồng kiều bào
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Đức Hoàng).
Năm 2023, các hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN nhận được sự hưởng ứng tích cực ở cả trong và ngoài nước, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho bà con kiều bào.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan, các hoạt động đã và đang triển khai còn hạn chế về quy mô, địa bàn, đối tượng tham dự, chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu, mục đích đề ra.
Việc huy động sự đóng góp, tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay, nên không đảm bảo tính ổn định, chắc chắn trong cam kết thực hiện của các đối tác.
Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng chỉ ra nhiều khó khăn và thách thức thực tế ở ngoài nước như việc xây dựng giáo trình và đào tạo đội ngũ giáo viên tình nguyện giảng dạy tiếng Việt cần phải đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế…
Đặc biệt, rào cản lớn nhất ngăn trở hoạt động dạy tiếng cho con em người Việt ở nước ngoài chính là thiếu động lực học tập.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN đưa ra một số một số giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024.
Theo ông, các giải pháp tập trung giải quyết thách thức ở các nhóm vấn đề cốt lõi như: Thứ nhất, cần tạo môi trường học tập hấp dẫn, phong phú về nội dung và hình thức để tạo nền tảng cho cộng đồng kết nối, chia sẻ và bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt, nhất là trong thế hệ trẻ NVNONN.
Thứ 2, cần đa dạng hóa, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt bằng cách tận dụng các nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ, kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ về nguồn lực tài chính, sáng tạo của tri thức kiều bào trong cộng đồng NVNONN trên toàn thế giới để đáp ứng nhu cầu các nhóm đối tượng, địa bàn.
Thứ 3, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hình thức giảng dạy, đào tạo dạy và học tiếng Việt cho NVNONN cả về phương pháp giảng dạy, kiến thức tiếng Việt và văn hóa, lịch sử Việt Nam qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Mặt khác, cần tiếp tục duy trì việc tổ chức tập huấn trực tiếp tại địa bàn, có nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với đặc điểm từng khu vực.
Thứ 4, tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, đăng phát thông tin trên nhiều nền tảng, kênh truyền thông để lan tỏa rộng rãi đến công chúng ở cả trong và ngoài nước về các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong CĐNVNONN.
Mục tiêu của việc này là nhằm tạo tác động tích cực, giúp lan tỏa tình yêu tiếng Việt, nâng cao hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Dantri.com.vn