Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với Nhân dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin… cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã thường xuyên đến các bản vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới để tuyên truyền, vận động người dân trong bảo vệ đường biên mốc giới của quốc gia.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu (Mường Lát) tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc tuyến biên giới do đơn vị quản lý.
Tuyến biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa- Hủa Phăn (Lào) dài 192 km, có 5 huyện biên giới gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân với 16 xã biên giới tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn gồm: Xốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ. Địa hình các khu vực đường biên giữa hai tỉnh chủ yếu là rừng, núi độ dốc lớn xen kẽ giữa sông, suối rất phức tạp. Thực hiện kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam – Lào, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn được giao xác định và xây dựng 88 vị trí/92 cột mốc, trong đó có 2 vị trí cắm mốc đại, 16 vị trí mốc trung và 70 vị trí mốc tiểu. Trong những năm qua tại 16 xã biên giới công tác bảo vệ, giữ gìn cột mốc đã được các già làng, người có uy tín, trưởng bản, bí thư chi bộ của 150 bản quan tâm tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc cùng tham gia.
Trên địa bàn huyện Mường Lát có 5 đồn biên phòng (ĐBP) đóng quân, gồm: Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu và Cửa khẩu Tén Tằn, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 105 km đường biên giới, với 47 cột mốc, 1 cửa khẩu quốc gia và 2 lối mở, đảm bảo an ninh – trật tự ở 7 xã biên giới và 1 xã nội địa. Để phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng Nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các ĐBP đóng chân trên địa bàn huyện Mường Lát đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tích cực chung tay, góp sức quản lý, bảo vệ biên giới. Qua đó đã phát huy vai trò, trách nhiệm, duy trì hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh – trật tự khu vực biên giới.
Già làng Chẹo Văn Sụ, người dân tộc Dao ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu đã tình nguyện bảo vệ cột mốc 288, 289, 290 trong suốt nhiều năm qua. Với quãng đường hơn 7 km để tới 3 cột mốc phải lội qua suối Xén, suối Nọng Khằm và nhiều quả núi tai mèo. Nhưng khó nhất là lúc trở về, quãng đường dốc đứng khiến đầu gối chùn xuống, trượt ngã đã trở thành chuyện bình thường với ông. Tháng hai lần đều đặn, một mình ông lên đường, đùm cơm nắm đi từ tờ mờ sương, tới khi mặt trời xuống núi mới trở về nhà.
Thượng tá Lê Văn Toản, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên ĐBP Quang Chiểu, cho biết: Đơn vị quản lý 45,2 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Do có nhiều lối mở vì vậy việc đảm bảo an ninh biên giới gặp nhiều khó khăn. Cùng với lực lượng biên phòng,19 hộ gia đình, già làng, người có uy tín trong bản tình nguyện trông coi bảo vệ cột mốc. Những năm qua, cả hệ thống chính trị thường xuyên tuyên truyền nên ý thức của người dân về chủ quyền quốc gia, bảo vệ đường biên, cột mốc được nâng cao.
Xuất phát từ ý thức, trách nhiệm với biên cương Tổ quốc, từ năm 2006 anh Lò Văn Thọ, sinh năm 1969, dân tộc Thái ở xã Yên Khương (Lang Chánh) đã tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ cột mốc số 348. Từ đó đến nay, tháng nào anh cũng kiểm tra cột mốc từ 1 đến 2 lần, dù đường từ nhà tới cột mốc không dễ đi. Mỗi lần đi kiểm tra cột mốc phải đi từ sáng sớm, nếu thời tiết thuận lợi, cả đi và về mất một ngày. Nếu không may gặp trời mưa gió, thì anh phải ngủ lại chòi rẫy đến hôm sau mới về. Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, anh Thọ còn tích cực vận động người dân chấp hành pháp luật, các quy định, quy chế qua lại biên giới. Thông qua việc thăm thân của Nhân dân hai bên biên giới, anh đã giải thích cho bà con hiểu và có trách nhiệm trong bảo vệ đường biên giới chung của hai nước, đồng thời vận động bà con cùng nhau giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt – Lào. Những già làng như ông Sụ, anh Thọ và nhiều người khác nữa thật đáng trân trọng biết bao. Những công việc họ làm rất đỗi bình dị mà cao quý. Họ là những bông hoa đẹp của núi rừng trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới quê hương.
Thực tế, trong những năm qua phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc đã lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là Nhân dân khu vực biên giới. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay trong quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tự quản công trình biên giới”; “Tổ tàu thuyền, bến, bãi an toàn”, “Tổ tự quản an ninh – trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh – trật tự”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”…
Qua công tác tham mưu của BĐBP, trên tuyến biên giới đất liền đã tổ chức ký kết và duy trì hoạt động 17 cặp bản kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; 5 đơn vị BĐBP kết nghĩa với các đơn vị lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào. Đến nay có 2 tập thể, 108 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới, bảo vệ 7 công trình biên giới. Tuyến biên giới biển, BĐBP Thanh Hóa tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng và duy trì hoạt động của 270 tổ tàu, thuyền an toàn, với 11.047 thành viên; 140 tổ bến, bãi an toàn, với hơn 7.400 thành viên. Ngoài ra, BĐBP Thanh Hóa cũng tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng 743 tổ an ninh – trật tự thôn, bản với hơn 3.300 thành viên; 192 km đường biên giới và 92 mốc quốc giới được tập thể và người dân ký kết tự quản.
Bài và ảnh: Hoàng Lan