Chiều 6/5 tại Hà Nội, BTC Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai đã họp triển khai công tác tổ chức Giải. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng BTC Giải chủ trì cuộc họp. Đồng chủ trì cuộc họp có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, đồng Trưởng BTC giải.
Dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương); Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT); Ban Nghiệp vụ, Cổng thông tin điện tử (Hội Nhà báo Việt Nam); các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần đầu tiên đã khép lại với nhiều thành công nhưng vẫn còn bất cập như chênh lệch về tỉ lệ các loại hình báo chí dự thi, chênh lệch về lượng tham dự thi giữa các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương… Với mong muốn khắc phục những bất cập, để Giải được tổ chức hiệu quả, BTC mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến để Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao và Du lịch” lần thứ hai được triển khai thành công.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng BTC giải nhấn mạnh, phát huy thành công của mùa giải đầu tiên, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao và Du lịch” lần thứ hai sẽ có nhiều đổi mới nhằm thu hút thêm các tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả tham dự.
“Ở mùa giải đầu tiên, số lượng tác phẩm gửi về lớn đã cho thấy những dấu ấn, đóng góp của ngành VHTTDL là nguồn cảm hứng lớn để các nhà báo thể hiện thành những tác phẩm chất lượng, đa sắc. BTC rất mong các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo tiếp tục ủng hộ mùa giải lần này”, ông Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh.
Trình bày dự thảo thể lệ của giải lần này, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Phan Thanh Nam, thành viên BTC giải cho biết, giải nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp phát triển VHTTDL và gia đình.
Thông qua giải nhằm thông tin, giới thiệu những kết quả, thành tựu của công tác VHTTDL, gia đình. Đồng thời, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành VHTTDL; cổ vũ, động viên cán bộ trong toàn ngành chung sức, đồng lòng, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển VHTTDL.
Đồng thời, tạo điều kiện để các nhà báo được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực VHTTDL.
Ông Phan Thanh Nam cho biết thêm, giải được tuyển chọn và trao cho các tác giả hoặc nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh về người thật, việc thật (không hư cấu), có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời về những tập thể, cá nhân, hành động tích cực, điển hình tiên tiến; phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội…
Trong đó, nội dung các tác phẩm tập trung vào việc triển khai Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống và hiện thực hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp; vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; thực trạng về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực VHTTDL, gia đình và giải pháp hoàn thiện; những mô hình mới, cách làm hay, gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các chủ trương, đường lối về phát triển văn hoá, con người; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại…
Ông Phan Thanh Nam cũng lưu ý, các tác phẩm báo chí xét giải là bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm (trừ chương trình phát thanh và truyền hình trực tiếp) thuộc các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, báo hình, báo ảnh.
Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả tham dự giải với tối đa không quá 5 tác phẩm. Mỗi tác phẩm báo chí được đăng, phát không quá 5 kỳ. Tác phẩm dự giải phải bảo đảm tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật, có tính chính xác, khách quan.
Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về VHTTDL, gia đình đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo. Đặc biệt, tác phẩm phải có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới, phát triển sự nghiệp VHTTDL và gia đình.
Góp ý về công tác tổ chức mùa giải lần này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, công tác truyền thông cho giải thưởng cần được triển khai sớm, thường xuyên nhằm thu hút nhiều hơn sự tham gia của các cơ quan báo chí ở các địa phương. Bên cạnh đó, cần có phương án nhằm thu hút thêm các tác giả là người nước ngoài tham dự giải.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Giải báo chí “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai được tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa những dấu ấn, đóng góp của ngành VHTTDL trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Đây cũng là dịp để toàn ngành được lắng nghe những ý kiến đóng góp, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển các lĩnh vực VHTTDL và gia đình.
Bên cạnh phát huy những kết quả tích cực của mùa giải đầu tiên, ở lần thứ hai tổ chức, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các thành viên trong BTC cần phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, đảm bảo các công việc diễn ra theo đúng tiến độ để giải thưởng “về đích” và đạt yêu cầu đề ra. Thứ trưởng cũng mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ Bộ VHTTDL trong công tác chuyên môn, đảm bảo việc chấm chọn tác phẩm diễn ra theo đúng thể lệ được ban hành. Thứ trưởng giao Báo Văn Hóa phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác chuyên môn cũng như tuyên truyền, tạo hiệu ứng lan tỏa cho giải./.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/lan-toa-nhung-dau-an-dong-gop-cua-nganh-vhttdl-trong-doi-song-kinh-te-xa-hoi-cua-dat-nuoc-20240506205558042.htm