Bà Thạch Thị Thiêng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Có thể nói, những công việc thiết thực, cụ thể, hiệu quả của cán bộ, hội viên phụ nữ ở xã Ngũ Lạc đã đem lại luồng sinh khí mới trong hoạt động Hội, thể hiện sự phong phú, sáng tạo khi làm theo gương Bác, tạo nhiều chuyển biến trong hoạt động hội thời gian vừa qua.
Đồng chí Nguyễn Nữ Lâm Ức Mi, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngũ Lạc cho biết: qua triển khai việc học tập và làm theo Bác về tính tiết kiệm trong cán bộ, hội viên đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội ở địa phương, qua đó còn khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ trong thời kỳ mới. Hiện xã có các mô hình tiết kiệm qua học Bác như “Con nuôi Hội LHPN”; mô hình “Ngôi nhà vì bạn – vì tôi” và câu lạc bộ “Nghĩa tình”…
Để việc học và làm theo gương Bác đi vào chiều sâu, thiết thực, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Ngũ Lạc tích cực tuyên truyền trong cán bộ, hội viên để qua đó đăng ký thực hiện các nội dung thi đua làm theo lời Bác như: thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững, phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên phụ nữ làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và rèn luyện phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”.
Điển hinh như mô hình Câu lạc bộ “Nghĩa tình” ở ấp Thốt Lốt, từ 15 thành viên ban đầu mới thành lập (năm 2011), do bà Thạch Thị Thiêng làm Chủ nhiệm, đến cuối tháng 4/2023 đã phát triển được 133 thành viên là các chị em phụ nữ trong ấp tham gia, trong đó có gần 95% thành viên là đồng bào dân tộc Khmer.
Bà Thạch Thị Thiêng (hiện đã ngoài 85 tuổi), chủ nhiệm câu lạc bộ liên tục gần 12 năm qua, chia sẻ: ngày trước, ấp Thốt Lốt điều kiện đi lại khó khăn; có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm hơn 95% dân số toàn ấp). Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, cuộc sống còn nhiều khó khăn, có nhiều hộ phải rời bỏ địa phương đi làm ăn xa, để lại người già yếu, bệnh tật và trẻ em. Năm 2011, tôi cùng với Hội LHPN phối hợp vận động các cô bác lớn tuổi trong ấp, đóng góp tiền để giúp đỡ cho gia đình có người già neo đơn hay lúc ốm đau; dần dần mô hình được phát triển và nhân rộng đến nay.
Hiện mô hình câu lạc bộ hoạt động theo quy định họp hàng tháng và có Ban chủ nhiệm trong việc ghi và theo dõi hoạt động thu chi và hỗ trợ cho các cụ, gia đình có khó khăn, người thân ốm đau… hàng tháng, các thành viên đóng góp tiền (dao động từ 1,5 – 2,5 triệu đồng), số tiền trên dành để thăm và trao tặng cho các đối tượng bị ốm đau, qua đời…
Với mục tiêu phát huy nội lực, chủ động tạo lập nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất nâng cao đời sống, cũng như chia sẻ những khó khăn với hội viên và con cháu trong gia đình. Với mô hình học Bác từ tiết kiệm, các thành viên trong Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã xây dựng mô hình “Con nuôi Hội LHPN” để giúp cho con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục theo học. Mô hình đã có 15 thành viên tham gia là các ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã, hàng tháng, mỗi thành viên bỏ heo đất 10.000 đồng, toàn bộ số tiền tiết kiệm trên được trao cho 01 con, em của hội viên để giúp cho cháu tiếp tục học đến khi ra trường.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Nữ Lâm Ức Mi, hiện mô hình “Con nuôi Hội LHPN” đã đảm nhận nuôi em Thạch Thị Danh đang học lớp 5. Do hoàn cảnh của cháu rất khó khăn, mồ côi cha mẹ và đang ở cùng với bà ngoại; thông qua mô hình sẽ được Hội duy trì và giúp cháu đến khi ra trường.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ