Là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu có vốn kiến thức phong phú về âm nhạc tài tử và âm nhạc đương đại nên khi viết quyển “Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ – Ghita phím lõm”, nhạc sĩ Kiều Tấn đã phân tích, lý luận chuyên sâu về: âm nhạc tài tử, bài vọng cổ và guitar phím lõm một cách có hệ thống, đáp ứng về mặt khoa học, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả.
Nhạc sĩ Kiều Tấn đã lý giải về sự biến hóa linh hoạt của cải lương so với nhạc tài tử, trong đó nói rõ về bản “Dạ cổ hoài lang” và đặc biệt chú trọng vai trò của đờn guitar phím lõm trong dàn nhạc của đoàn cải lương.
NSND Ngọc Giàu bày tỏ: “Bài “Dạ cổ hoài lang” tôi đã biểu diễn nhiều lần nhưng những phân tích, mổ xẻ, so sánh của nhạc sĩ Kiều Tấn trong tập sách trên về cách thể hiện, vận dụng âm vực sao cho đúng, cho chuẩn là rất thiết thực và giá trị. Thực tế cho thấy cũng bài “Dạ cổ hoài lang” nhưng mỗi người ca một kiểu, có khi ca sai lời, xử lý làn hơi, điệu hát cũng sai”.
Từng tiếp cận công trình của nhạc sĩ Kiều Tấn từ khi còn là bản thảo, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ nhận định: “Sách của nhạc sĩ Kiều Tấn là tư liệu quý cho người muốn học nâng cao về guitar phím lõm. Sách trình bày kết hợp giữa lịch sử và chuyên môn, tân nhạc và cổ nhạc nên khá dễ hiểu, phù hợp nhiều đối tượng”.
Nhạc sĩ Kiều Tấn sinh tại tỉnh Long An, nơi vốn được xem là cái nôi của nhạc tài tử – nơi hậu tổ – thầy Ba Đợi lưu lại, truyền dạy âm nhạc tài tử; quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu; quê hương của đệ nhất danh cầm miền Nam – Văn Vĩ. Cha và các anh của nhạc sĩ Kiều Tấn đều rất say mê ĐCTT nên từ nhỏ, nhạc sĩ đã được đắm mình trong dòng âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Từ khi còn là thiếu niên, ông đã nổi tiếng trong làng về tài đờn, ca. Không chỉ chơi được nhạc tài tử, ông còn biết về tân nhạc, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ và được nhiều người yêu mến. Nhạc sĩ Kiều Tấn đã có nhiều công trình nghiên cứu đặc sắc về âm nhạc tài tử như: “Phương pháp ký âm”, “Điệu thức âm nhạc tài tử”, “Phương pháp ký âm nhạc tài tử”, “Đàn guitar phím lõm”…
Thời gian nhạc sĩ Kiều Tấn công tác tại Đài Truyền hình TP HCM – HTV (năm 1995) và phụ trách chuyên mục Ca nhạc – Cải lương của đài FM. Thời điểm đó, hệ thống đài phát thanh trên cả nước chưa có chương trình nào về ĐCTT. Nhạc sĩ Kiều Tấn là người đề xuất thành lập chương trình ĐCTT và cải lương. Ông trở thành người tiên phong đưa các bài bản tài tử vào chương trình phát thanh. Không chỉ phát các bản ĐCTT, nhạc sĩ Kiều Tấn còn trực tiếp phân tích, lý luận, giới thiệu các điệu tài tử đến thính giả gần xa và được đón nhận nhiệt tình.
Khi đảm nhận vai trò Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM, ông đề xuất sản xuất nhiều chương trình về ĐCTT, cải lương được công chúng yêu thích như: “Vầng trăng cổ nhạc”, “Chuông vàng vọng cổ”, “Tiếng đàn tri âm”, “Giọt nắng phù sa”…
Nguồn: https://nld.com.vn/lan-toa-net-doc-dao-cua-don-ca-tai-tu-196240426210733857.htm