Ngày 20/5, tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Hiệu trưởng – Người gieo mầm hạnh phúc nhằm nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường học tập vui vẻ, nhân ái tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, Đặng Tự Ân, xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc là một chủ trương lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Bước đầu, cuộc vận động đã thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình Trường học hạnh phúc ở các cấp học, bậc học thuộc các vùng miền khác nhau trong cả nước.
Dự án Trường học hạnh phúc do Quỹ hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam triển khai vào thời kỳ giáo dục Việt Nam đang tích cực chuyển đổi mục tiêu từ chủ yếu tập trung cung cấp kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất năng lực cho người học.
Mục tiêu tập trung vào phát triển hoàn toàn tiềm năng của người học, cân bằng giáo dục sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Quỹ hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam quan niệm hạnh phúc cho người học không phải chỉ là kết quả học tập hay điểm số mà cần hướng tới một đời sống tinh thần cân bằng và lành mạnh hơn, biết làm chủ cảm xúc cho tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam.
Dự án Trường học hạnh phúc triển khai trong hai năm 2022-2023 với mục tiêu đào tạo 10 nghìn hiệu trưởng các trường phổ thông trong cả nước có hiểu biết khoa học và các kỹ năng xây dựng thành công mô hình trường học hạnh phúc tại chính cơ sở giáo dục của mình.
Báo cáo đánh giá giai đoạn 1 của Dự án Trường học hạnh phúc, Giám đốc Ban đánh giá giáo dục Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Chu Cẩm Thơ cho biết: Từ tháng 5 đến 11/2022, có 1.245 hiệu trưởng đến từ 7 tỉnh, thành phố tham gia chương trình tập huấn trực tiếp, vượt chỉ tiêu đề ra.
Tài liệu “Hiệu trưởng-Người gieo mầm hạnh phúc” được xây dựng hoàn thiện và chuyển đến 100% học viên. Kết quả 100% các hiệu trưởng đã áp dụng kiến thức, kỹ năng trong thực tiễn điều hành quản lý trường học. Tạo cho những người đứng đầu trường học năng lực thấu hiểu và lan tỏa năng lượng tích cực tới thầy giáo, cô giáo trong nhà trường. Từ đó, xây dựng một môi trường học đường mà học sinh thực sự tìm thấy niềm vui thay vì những áp lực từ bài vở và điểm số. Những kết quả của dự án này sẽ là nền tảng để thay đổi chuẩn hiệu trưởng trong thời gian tới.