Suối Chà Lạp bắt nguồn từ nước bạn Lào, đoạn chảy qua xã Tam Hợp dài gần 30km. Từ xưa đến nay, Chà Lạp đươc coi là “đại bản doanh” của những chú cá mát cũng như nhiều loại cá khác.
Thế nhưng, do những năm trước người dân đánh bắt quá mức theo hình thức “tận diệt” bằng các phương tiện như kích điện hoặc nổ mìn khiến cho cá mát gần như cạn kiệt, khe suối gần như vắng bóng loại cá đặc sản này.
Trước nguy cơ cạn kiệt nguồi lợi thủy sản, đặc biệt là loại cá mát, tháng 12/2018, HĐND xã Tam Hợp đã thông qua đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Đề án quy định những phương tiện, ngư cụ được phép sử dụng khai thác thủy sản phải theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ NN&PTNT.
Theo đó, nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Tam Hợp sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Đối với các hộ dân trong địa bàn xã, nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định như: dùng kích điện, thuốc nổ sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính…
Sau hơn vài năm thực hiện đề án, hiện nay, người dân trên địa bàn đã tự giám sát và đẩy đuổi những người ở địa phương khác đến đánh bắt cá. Đàn cá mát theo dòng nước lại về trên dòng Chà Lạp sinh sôi. Dọc suối Chà Lạp những đoạn cấm đánh bắt cá phát triển rất nhanh, mỗi mét vuông mặt nước ước khoảng trên 20 con. Không những cá mát mà các loại cá pộp, cá lăng, cá lệch… cũng hồi sinh.
Còn tại xã Lưu Kiền, theo ông Vang Kiên Cường – Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Lưu Kiền cũng bắt đầu triển khai thực hiện mô hình bảo tồn cá tại suối Nậm Khiên, đoạn chảy qua địa bàn xã. Mô hình bắt đầu triển khai từ cuối năm 2020.8
Theo đó, nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định như: dùng kích điện, thuốc nổ sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính. Ngoài ra, các bản thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể; cắm biển báo cho người dân được biết. Đến nay, lượng cá sinh sôi rất nhiều, đợt tết vừa rồi xã có cho tổ chức đánh bắt một lần được rất nhiều cá. Cá được chia đều cho người dân đưa về sử dụng, ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương, cho biết thêm: “Mô hình “Nhân dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản” tại xã Tam Hợp vừa tái tạo nguồn lợi thủy sản, các loại cá quý hiếm như cá mát, cá chạch, cá lấu,.. vừa xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, có nhiều khách du lịch đến tham quan, học hỏi mô hình. Hiện nay, mô hình này đang được nhân rộng ra các địa phương trên toàn huyện học tập, như: xã Tam Thái cấm đánh bắt thủy sản khu vực du lịch sinh thái bản Đọoc Búa với chiều 1,5 km; xã Lưu Kiền cấm đánh bắt thủy sản tại khu du lịch sinh thái Khe Kiền với tổng chiều dài 1 km…”.