Tiếp nối thành công và ý nghĩa của chương trình lần thứ nhất, Chương trình Bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật” lần thứ hai năm 2023 được khởi động từ tháng 3/2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh – Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật, chương trình này là hoạt động hết sức có ý nghĩa, thực hiện tôn chỉ, mục đích của Báo Pháp luật Việt Nam, không những phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật để đấu tranh, mà còn phát hiện, biểu dương những tấm gương “người tốt, việc tốt”, trọng tâm là trong công tác pháp luật.
“Chúng ta làm được điều này thì chương trình không chỉ là kết quả hoạt động của Báo Pháp luật Việt Nam, thực hiện tôn chỉ mục đích của Báo, là một trong những hoạt động để hướng đến Ngày Pháp luật Việt Nam, mà còn đóng góp tích cực, có ý nghĩa trong việc thực hiện nghị quyết 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhận định.
Về công tác bình chọn, lựa chọn những gương sáng tiêu biểu nhất, ông Vũ Hoài Nam – Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chương trình chia sẻ: “Để lựa chọn ra được 50 tấm gương, Ban Tổ chức cùng Hội đồng bình chọn đã có quá trình làm việc rất là tích cực, cẩn thận, chu đáo và đặc biệt là sự cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng trong việc đánh giá từng nhân vật, từng gương sáng để đảm bảo lựa chọn được những tấm gương thực sự xuất sắc và xứng đáng để vinh danh. Có được thành quả như vậy, tôi cho rằng có sự hỗ trợ, đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các gương sáng, những người đã theo chúng tôi suốt chặng đường vừa qua”.
Ông Vũ Hoài Nam cho biết, nhằm góp phần tôn vinh và biểu dương các tấm gương điển hình trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị – xã hội của một quốc gia, thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam được giao chủ trì tổ chức Chương trình Bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật hàng năm vào đúng dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 nhằm lan tỏa và nhân rộng những tấm gương điển hình trong hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi toàn quốc.
Trong số các gương sáng được phản ánh năm nay, có rất nhiều tấm gương điển hình, truyền cảm hứng như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 4/1945 đến năm 1997, năm nào ông cũng về lại chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội và tìm kiếm, xác minh thông tin về các liệt sĩ trong chiến trường Tây Nguyên. Ông không chỉ giúp các gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin mà còn là “kho” tư liệu quý, là “bảo tàng sống” về chiến trường Tây Nguyên. Ông cũng chính là tác giả của “nguyên tắc hòa giải” trong Bộ luật Dân sự năm 1995 khi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Một nhân vật nữ, rất điển hình là Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga. Ngày 30/10/2017, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga được Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước sang Nam Sudan làm nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. Chị là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam nhận nhiệm vụ nhưng là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên. Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga có nhiệm kỳ 12 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc với vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự. Tháng 5/2022, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga lại lên đường nhận nhiệm vụ mới tại Nam Sudan trong cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4.
“Sau buổi lễ vinh danh này, chúng tôi tin tưởng rằng, những cá nhân được đề cử và vinh danh sẽ mãi luôn là những tấm gương sáng trong đời sống xã hội nói chung, trong tổ chức và thi hành pháp luật nói riêng để mọi người tiếp tục học tập, noi theo, chung sức đồng lòng xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, vì Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa – dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình”, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam bày tỏ.
Phan Hoà Giang