Cá Niêng (hay còn gọi là cá niên, cá mác-ở Nghệ An gọi là cá mát, cá sỉnh cao) là một loại đặc sản nức tiếng thơm ngon của vùng đất Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Ở Kon Tum cá Niêng có mặt tại huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, chưa thưởng thức cá Niêng coi như bạn chưa biết gì về ẩm thực núi rừng.
Loài cá xinh đẹp, cá đặc sản
Nhìn bề ngoài cá Niêng có phần thân thuôn thuôn, tròn trịa giống cá chép, dưới ánh mặt trời vảy ánh bạc lấp lánh, óng ánh như cá diếc.
Có thể nói đây là loại cá suối “chất lượng hơn số lượng” vì khi trưởng thành chúng không to hàng chục kg như các trắm, cá mè mà chỉ như 3 ngón tay người lớn ghép lại và dài khoảng hơn gang tay, song bù lại, sự thơm ngon của cá thì thực sự nổi trội.
Cá Nêng sống thành đàn ở những vùng nước chảy xiết hay trong ghềnh đá, có nhiều hang hốc. Chúng luôn bơi ngược dòng nước nên xương cứng, thịt chắc chứ không bở, lại không tanh mà thơm ngọt tinh khiết, nhiều chất dinh dưỡng.
Loài cá đặc sản này chỉ ăn rêu, rong tảo bám quanh gờ đá nên ruột rất sạch, không có mùi tanh có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon lành khác nhau.
Từ cuối mùa xuân qua mùa hè là thời điểm cá Niêng xuất hiện nhiều nhất trên các con sông, con suối của huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) dưới những cánh rừng già, nhiều ghềnh đá.
Loài cá suối đặc sản này có thân hình thuôn dài nên bơi rất nhanh, hễ có động là chúng nhanh chóng lẩn trốn khôn khéo trong các khe suối, hốc đá.
Cá niêng tươi vừa bắt ở suối vùng rừng núi huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum). Cá Niêng jhay còn gọi là cá niên, cá mát
Cá Niêng đặc sản cũng không tạp ăn nên mồi câu cũng phải chuẩn bị theo mùa, tháng 11 đến tháng Chạp, có thể dùng trùn chỉ để làm mồi, gần sang hè dùng mồi bọ đá hoặc mồi sâu xanh.
Việc câu cá cũng đòi hỏi tài nghệ điêu luyện của người đi câu, cần câu phải nằm dọc theo mặt nước và liên tục co duỗi tay theo chiều nước chảy. Mép cá Niêng rất mỏng, khi cá bén mồi mà giật mạnh sẽ làm rách môi cá, cá rớt xuống suối trở lại.
Anh A Sơn (25 tuổi, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) nói với chúng tôi: “Từ ngày mình còn nhỏ đã thường vác cần đi câu cá Niêng, về nấu ăn hoặc nướng khô, để dành thức ăn mùa mưa. Bây giờ nhiều người dưới xuôi cũng lên đây thu mua nên cá ít rồi, chỉ để dành cho mỗi dịp lễ, tết hoặc khi có khách quý đến nhà thôi”.
Thịt cá Niêng-cá suối đặc sản tơm ngon tuyệt vời
Ngày nay, danh tiếng về sự thơm ngon của cá Niêng đã vượt qua những cánh rừng, từ chỗ là món ăn dân dã thường ngày của bà con dân tộc vùng cao, nay cá Niêng đã có tên trong danh sách những món ăn đặc sản của Đăk Glei.
Các Niêng đánh bắt về chế biến thành nhiều món ăn như: nướng trui, kho mặn, làm lẩu măng chua, gỏi với rau dớn… Giữa những cơn mưa chiều tháng sáu, dừng chân tại một căn nhà sàn nhỏ trong xã Mường Hoong, anh a Nhim – chủ nhà chỉ mớ cá vừa được bắt về còn tươi xanh nói sẽ thiết đãi chúng tôi món cá Niêng đặc sản.
Cá vừa bắt ngoài suối về để nguyên con, làm sạch nhưng để lại bộ ruột. Vì thịt ngọt sẵn nên không cần tẩm ướp cầu kỳ, chỉ cần xuyên nguyên thân cá theo chiều dọc vào thanh tre rừng vót mỏng, đặt lên bếp than hồng rực.
Trở qua trở lại thật đều tay chỉ trong 5 phút cá vàng rộp, mỡ chảy xèo xèo tỏa ra mùi thơm ngậy rất hấp dẫn. Ruột cá Niêng là bộ phận quý nhất mà kẻ sành ăn nào cũng thích với vị đăng đắng, thanh thanh của mật cá.
Ruột cá được gỡ ra để riêng vào một chén, thêm muối hạt, ớt, tỏi, hạt tiêu rừng hoặc nắm lá é (một loại gia vị đặc trưng, thường được giã chung với muối để chấm các loại thịt rừng nướng). Ghè rượu ngô rừng được nấu từ nhiều tháng trước đem ra giữa bàn nhâm nhi.
Khi ăn cắn từ đầu cá xuống đuôi cá, hay gỡ từng miếng thịt cá vàng ươm chấm vào chén muối, vị béo, bùi, dai của thịt, giòn và ngọt của xương và vị đắng nhân nhẫn của mật và bộ ruột của cá làm cho những ai được thưởng thức dù chỉ một lần thôi cũng không thể nào quên.
Cá Niêng, cá suối ngon, cá đặc sản nướng than vùng núi rừng Đăk Glei (tỉnh Kon Tum).
Giữa cơn mưa rả rích tháng sáu, trong không gian âm u rộng mênh mông của núi rừng, nhấm nháp miếng cá, thi thoảng hút miếng rượu ngô, cảm nhận cuộc sống quá sức thú vị.
Riêng món ruột cá cũng có thể trộn với lòng đỏ trứng gà, rắc chút tiêu rừng lên rồi đem chưng cách thủy một lát là chín.
Do cá Niêng chỉ ăn rong rêu nên ruột sạch, có vị đăng đắng nhẹ gần như món lòng đắng của dê núi, khi trôi xuống cổ họng rồi lại có dư vị ngọt nhẹ, rất thú vị.
Vào mùa mưa, trên những con suối Đăk Glei mọc rất nhiều rau dớn, là loại rau quen thuộc với đồng bào miền núi Tây Nguyên, món gỏi rau dớn cá Niêng luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.
Làm món này không khó, nguyên liệu chỉ cần rau dớn, mấy con cá Niêng, ít gia vị lá cây núi rừng. Rau dớn lấy phần ngọn non, rửa sạch, thả vào nồi nước sôi, canh cho rau vừa chín tới thì vớt ra, xóc cho rau bớt nước, trộn đều với gia vị.
Cá Niêng hấp chín tới, gỡ thịt ra trộn với rau dớn, rắc chút đậu phụng rang lên cho thêm hấp dẫn và thơm ngon. Món gỏi có vị bùi bùi, chát nhẹ của rau dớn hòa cùng vị béo ngậy của cá, mùi thơm của các loại gia vị.
Lẩu cá niêng, lẩu cá suối-món ngon, món đặc sản cùng núi rừng Đăk Glei (tỉnh Kon Tum).
Khi trở thành cá đặc sản, người ta đưa thêm vào món lẩu cá Niêng măng chua, có thể chinh phục mọi thực khách khó tính nhất. Cá bắt về làm sạch, mổ bụng nhưng còn giữ nguyên ruột cá. Tìm loại măng nứa, măng le vừa nhú lên còn xanh non, ăn vừa giòn vừa thơm, thêm ít me chua, lá giang, vài quả cà chua, ít nắm rau ngổ, ngò gai.
Bắc nồi nước sôi lên, cho măng le, me chua vào trước, khi nước sôi bỏ cá và các lọai rau vào cùng vài lát ớt thái mỏng, nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Món lẩu chua cá Niêng măng chua nghi ngút khói thật hấp dẫn, màu trắng của cá, màu vàng từ măng tre luộc, màu xanh của các loại rau, chỉ nhìn thôi đã thấy ngon.
Ăn nóng mới thưởng thức được trọn vẹn cái ngon của món lẩu, vị chua ngọt thanh thoát từ cá, rau và gia vị xen lẫn vị đắng của măng, cảm nhận cái cay của tiêu, ớt.
Trước đây món cá Niêng dân dã này thường xuyên có mặt trong bữa cơm của người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Nhờ sự thơm ngon tuyệt vời nó đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người săn tìm và xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn nơi phố thị.
Ngày nay loại cá này không dễ dàng đánh bắt và được bán với giá khá cao (200.000 – 300.000 đồng/kg), nhưng không phải lúc nào muốn thưởng thức đều có ngay, bởi do khai thác quá mức, cộng với cách thức khai thác tận diệt – dùng điện chích nên lượng cá Niêng trên sông suối đã sụt giảmđi nhiều, cũng vì thế mà những món ngon chế biến từ loài cá này theo đó cũng hiếm hoi mới được thưởng thức.
Nguồn: https://danviet.vn/lan-tim-loai-ca-suoi-bi-an-khu-rung-kon-tum-he-bat-duoc-thanh-dac-san-nha-giau-dai-gia-san-lung-20241029161613839.htm