Ngày 4-9, thông tin từ Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) cho biết tại Lễ trao giải được World Travel Awards tổ chức tối 3-9 ở TP Manila, Cộng hòa Philippines, Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương của Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh nặng ký khác trên thế giới như: VQG Fuji-Hakone-Izu (Nhật Bản), VQG Chitwan (Nepal), VQG Minnieriya (Sri Lanka), VQG Kinabalu và Taman Negara (Malaysia) và VQG Cát Tiên của Việt Nam để được vinh danh tại hạng mục Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á năm 2024 (Asia’s Leading National Park 2024).
Đây cũng là lần thứ 6 liên tiếp từ năm 2019, VQG Cúc Phương được nhận danh hiệu cao quý này.
Giải thưởng này tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của du lịch sinh thái – loại hình du lịch đã và đang được khai thác tại các VQG, khu bảo tồn ở Việt Nam. Là động lực to lớn để các cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, để thúc đẩy và phát huy tính đa dụng của rừng. Đồng thời, đây được kỳ vọng là cơ hội “vàng” để quảng bá hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp và du lịch Việt Nam ra toàn cầu.
Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) là giải thưởng hàng đầu thế giới trong ngành du lịch được tổ chức thường niên kể từ năm 1993. Đến nay, Giải thưởng đã trở thành thương hiệu uy tín và danh giá bậc nhất thế giới trong việc tôn vinh các thành tựu xuất sắc của ngành du lịch trên mọi lĩnh vực. Giải thưởng này còn được ví như “giải Oscar của du lịch thế giới”.
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương, cho biết giải thưởng không chỉ là nguồn động viên đối với Cúc Phương mà còn là tình cảm của cộng đồng trong nước và quốc tế cho những nỗ lực bền bỉ trong suốt hành trình hơn 60 năm qua của nhiều thế hệ cán bộ VQG Cúc Phương qua các thời kỳ.
Cùng với đó là sự ghi nhận những hi sinh, cống hiến của cộng đồng bản địa; các chuyên gia, nhà khoa học và hàng triệu du khách”.
VQG Cúc Phương được thành lập năm 1962, với nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái và giáo dục môi trường.
Cúc Phương có diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương bao gồm hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Hiện, Cúc Phương đã dần xây dựng hình thành và vận hành thành công mô hình quản lý, bảo vệ, nghiên cứu và khai thác du lịch sinh thái nhằm mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
Từ VQG Cúc Phương hiện nay, trên cả nước đã hình thành một hệ thống, được hoàn thiện về pháp luật, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; có nhiều thành tựu trong nghiên cứu và góp phần làm nên bản đồ du lịch sinh thái Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/lan-thu-6-lien-tiep-vuon-quoc-gia-cuc-phuong-duoc-vinh-danh-196240904161116449.htm