Tổng thống Putin đã bốn lần đến Việt Nam trong 24 năm qua và lần thứ năm vào hai ngày 19 và 20-6 là lần thăm cấp nhà nước, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 19 và 20-6 tới đánh dấu lần thứ năm Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông đến Việt Nam kể từ năm 2000.
Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, Tổng thống Putin là một trong những nguyên thủ đến thăm Việt Nam nhiều lần khi còn đương chức.
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Putin diễn ra từ ngày 28-2 đến ngày 2-3-2001, khi quan hệ Nga – Việt Nam vừa bước vào thế kỷ 21.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Putin đã cùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nga. Hai bên cũng ký các văn kiện mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí và một số lĩnh vực khác.
Hai nhà lãnh đạo cũng xác định các phương hướng hợp tác kinh tế có triển vọng, đặc biệt năng lượng điện, tổ hợp công nông nghiệp, công nghiệp nhẹ…
Cũng trong chuyến thăm này, Tổng thống Putin còn có các hoạt động đáng chú ý như ghé thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám và gặp mặt những người Việt Nam từng học tập tại Nga.
Năm năm sau chuyến thăm Việt Nam đầu tiên, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ngày 20-11-2006, Tổng thống Putin thăm chính thức Việt Nam sau khi tham dự hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Hà Nội.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Putin đã có một loạt cuộc gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề cùng quan tâm, trong đó có thúc đẩy hợp tác kinh tế, năng lượng, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật…
Nhiều thỏa thuận hợp tác về ngân hàng, dầu khí, du lịch giữa hai nước đã được ký kết trước sự chứng kiến của Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Tổng thống Putin trở lại Việt Nam vào ngày 12-11-2013 trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trước thềm chuyến thăm vài ngày, ngày 7-11-2013 tại St. Petersburg (Nga), chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên “Hà Nội” trong hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm thuộc Dự án 636 đã được bàn giao cho Nga.
Chuyến thăm diễn ra chỉ một năm sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện.
Tại Hà Nội, Tổng thống Putin đã hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài tuyên bố chung về tăng cường hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga, cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Putin đã chứng kiến lễ ký một loạt văn kiện hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường hợp tác cả về chính trị, quốc phòng, thương mại và năng lượng.
Ngày 10-11-2017, Tổng thống Putin đến Đà Nẵng để tham dự Hội nghị cấp cao APEC và không ra Hà Nội. Mặc dù vậy, Tổng thống Putin vẫn có cuộc gặp song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nhà lãnh đạo Nga cũng chia sẻ với nhân dân Việt Nam về những thiệt hại do bão số 12 gây ra, đồng thời đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong vai trò chủ nhà APEC năm 2017.
Nhân dịp này, hai bên nhất trí ra tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.
Chuyến thăm của Tổng thống Putin nhận được nhiều kỳ vọng
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Tổng thống Putin diễn ra theo lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến công du diễn ra ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống mới của Tổng thống Putin cho thấy sự coi trọng của ông đối với quan hệ Việt Nam – Nga.
Vì lẽ đó, chuyến thăm lần này được kỳ vọng sẽ nối dài danh sách các dấu mốc quan trọng đối với quan hệ Việt Nam – Nga.
Sự hiện diện của Tổng thống Putin tại Việt Nam cũng diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.
Đây cũng là dịp để lãnh đạo hai nước gặp gỡ, thảo luận, thống nhất những vấn đề quan trọng và định hướng chiến lược cho tương lai, trong đó có các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/lan-thu-5-den-viet-nam-tong-thong-putin-tham-cap-nha-nuoc-theo-loi-moi-tong-bi-thu-20240617212306348.htm