Công ty con theo mẹ lên sàn: Làn sóng mới trên thị trường cổ phiếu
Sau nhiều năm sàn chứng khoán chỉ đón lượng ít ỏi các “tân binh”, làn sóng đưa các công ty con/ công ty thành viên lên sàn của nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn dự kiến sẽ mang đến thêm nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư.
Tập đoàn Vingroup đang thực hiện các thủ tục để niêm yết Vinpearl lên sàn chứng khoán. |
Tân binh chào sàn: Mới nhưng không lạ
Dự kiến, ngày 13/6 tới đây sẽ là phiên giao dịch cuối cùng của 110 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Sữa Mộc Châu (MCM) trên sàn UPCoM. Thương hiệu sữa lâu năm với 65 năm tuổi đời đã chính thức có được cái gật đầu chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM sau 8 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ và hơn một năm kể từ thời điểm được các cổ đông phê duyệt.
“Kế hoạch chuyển niêm yết sẽ bắt đầu triển khai sau khi được ĐHĐCĐ thông qua. Công ty sẽ cố gắng hết sức để có thể hoàn tất thủ tục chuyển sàn trong vòng một năm”, bà Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Vinamilk, cũng đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Sữa Mộc Châu khẳng định mạnh mẽ tại Đại hội thường niên năm ngoái.
Với sự xuất hiện của Sữa Mộc Châu, sàn HoSE sẽ có thêm doanh nghiệp thứ hai ngành sữa, bên cạnh Vinamilk – cũng chính là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. Đầu năm 2020, Vinamilk chính thức nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất tại Sữa Mộc Châu sau thương vụ sáp nhập GTNFoods vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico. Ngay cuối năm 2020, Sữa Mộc Châu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Thông tin chuyển sang giao dịch tại sàn niêm yết không chỉ là cú hích giúp cổ phiếu MCM xác lập kỷ lục giá mới. Đáng chú ý hơn, thanh khoản cổ phiếu ghi nhận bước nhảy vọt từ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên tăng lên vài trăm nghìn đơn vị trong các phiên gần đây.
Vinamilk không phải đơn vị duy nhất đang chuẩn bị đưa các công ty thành viên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Công ty Cổ phần Điện lực Gelex – công ty con do Tập đoàn Gelex (GEX) sở hữu 80% vốn đã chính thức nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu GEE lên HoSE vào cuối tháng 4/2024.
Kế hoạch chuyển sang niêm yết sàn HoSE của cổ phiếu Masan Consumer (MCH) cũng đã trình và được 100% cổ đông tán thành tại Đại hội thường niên vừa qua. Gần 93,6% vốn điều lệ của Masan Consumer đang thuộc sở hữu của Công ty TNHH MasanConsumerHoldings – một công ty con của Masan Group.
“Năm 2024, Masan quyết định bắt đầu hành trình IPO Masan Consumer (MCH)”, tuyên bố của ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN) ở cuộc họp nhấn mạnh một trong những đầu việc quan trọng của tập đoàn này năm nay. Hiệu ứng chuyển sàn cùng những kỳ vọng mới của ban lãnh đạo nhanh chóng phản ánh vào giao dịch cổ phiếu MCH ngay sau Đại hội, cả về giá và khối lượng giao dịch mỗi phiên.
Không niêm yết trên sàn HoSE, nhưng dự kiến ngay quý II năm nay, BCG Energy – công ty con trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Công ty cổ phần Bamboo Capital sẽ giao dịch trên sàn UPCoM. Ngày 20/5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn chấp thuận hồ sơ đăng ký đại chúng của doanh nghiệp này – một trong các bước nằm triển khai lộ trình lên sàn của đơn vị thành viên này.
Dù chưa “văn bản hoá” bằng các tờ trình, kế hoạch IPO công ty con Chăn nuôi Gia Lai đã được ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đánh tiếng. Theo ông Đức, Chăn nuôi Gia Lai so với các công ty niêm yết hiện tại như Dabaco, BAF… thì không hề thua kém về giá trị, tài sản.
Cũng chưa đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM, Vinpearl – “ông lớn” du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hứa hẹn sẽ là cái tên nổi bật của sàn chứng khoán Việt Nam. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cho biết đang thực hiện các thủ tục để niêm yết Vinpearl chào sàn. Thời điểm niêm yết thành công được kỳ vọng là ngay cuối năm nay.
Đón đầu cơ hội từ nâng hạng thị trường
Trở thành công ty đại chúng với quy mô vốn điều lệ 7.500 tỷ đồng cùng số lượng cổ phiếu do nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ 49,3% vốn điều lệ, minh bạch thông tin là điều BCG Energy hướng đến. Theo ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Tài trợ dự án BCG Energy, quản trị công ty là một trong những tiêu chí hàng đầu tại công ty. Quyết tâm đưa cổ phiếu lên sàn cũng nhằm thực hiện vấn đề này. Với các yêu cầu khắt khe hơn về minh bạch thông tin các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị…, nhà đầu tư nhìn nhận đúng đắn hơn về giá trị của doanh nghiệp.
Còn với Masan, quyết định chuyển sàn đối với đơn vị thành viên được ví như “viên kim cương gia bảo” của Tập đoàn, theo cách gọi của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang, trực tiếp hướng đến mục tiêu huy động vốn. Masan Consumer đã có nhiều đợt phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên nhưng chưa từng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong vòng 6 – 7 năm qua của Masan Consumer là cơ sở khi xét đến việc thực hiện kế hoạch IPO tiềm năng trên. Ngoài giúp huy động vốn, vị CEO này kỳ vọng đợt chào bán cổ phiếu Masan Consumer sẽ giúp nâng định giá cổ phiếu đang bị giao dịch ở dưới giá trị nội tại trên sàn UPCoM.
Thực tế, cũng chỉ trong vòng một tháng qua, giá cổ phiếu MCH đã tăng hơn 30% kể từ sau Đại hội. Quy mô vốn hoá của doanh nghiệp sản xuất này nhờ đó cũng lên con số trên 5 tỷ USD. Đồng thời, thanh khoản các phiên đều lên đến vài trăm nghìn đơn vị cổ phiếu.
Ngoài câu chuyện nội tại của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán thời gian qua cũng chứng kiến sự sôi động trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Bên cạnh sự sôi động của thị trường phản ánh qua giá trị giao dịch toàn sàn mỗi phiên, thương vụ IPO thành công của Chứng khoán DNSE giúp huy động 900 tỷ đồng hồi đầu năm cũng là tín hiệu tốt cho thị trường.
Hơn nữa, với vai trò là “hàng hoá” trên sàn chứng khoán, sự xuất hiện của các “tân binh”, nhất là nhóm doanh nghiệp lớn có quy mô lớn, là điều cốt lõi để phát triển thị trường bền vững. Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 lần đầu do người đứng đầu Chính phủ chủ trì, trong nhóm nhiệm vụ/giải pháp đối với nhà phát hành, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện IPO gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Thời gian qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đang xây dựng lại quy chế phối hợp để giúp các khâu sau khi doanh nghiệp hoàn tất IPO, niêm yết/đăng ký giao dịch được rút ngắn thời gian; quy về một đầu mối báo cáo nhằm đơn giản hoá quy trình công bố thông tin của doanh nghiệp.
Đây cũng là một trong các nỗ lực của các cơ quan quản lý hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường. Bởi dòng vốn dự kiến đổ thêm vào thị trường chứng khoán từ câu chuyện nâng hạng cũng chỉ có thể được tận dụng nếu nhà đầu tư tìm thấy cơ hội để “xuống tiền”. Không thể là câu chuyện ngày một ngày hai nếu mong muốn nhà đầu tư có cái nhìn đúng đắn về giá trị của doanh nghiệp, hay xa hơn là phát huy vai trò kênh dẫn vốn trung, dài hạn của thị trường cổ phiếu.
Nguồn: https://baodautu.vn/cong-ty-con-theo-me-len-san-lan-song-moi-tren-thi-truong-co-phieu-d216337.html