Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter từng đề cập đến các yếu tố phá hủy các doanh nghiệp yếu kém trong thời kỳ suy thoái. Hiện tại, mặc dù tình trạng suy thoái chưa xảy ra, nhưng lãi suất cao đang gây căng thẳng cho hoạt động kinh tế và làn sóng doanh nghiệp vỡ nợ có thể xảy ra.
Tỉ lệ phá sản ở Mỹ đang trên đà đạt mức cao nhất kể từ năm 2010. Tình trạng mất khả năng thanh toán đã đạt mức cao nhất sau khủng hoảng tài chính ở Anh và xứ Wales, đồng thời cũng tăng mạnh ở khu vực đồng Euro.
Allianz dự báo, tình trạng mất khả năng thanh toán ở các nền kinh tế lớn sẽ gia tăng trong vài năm tới khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp phải tái cấp vốn với lãi suất cao hơn. Thật vậy, trong 5 năm tới, hơn 3.000 tỉ USD nợ doanh nghiệp sẽ đáo hạn tại Mỹ.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Lãi suất đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ, thị trường lao động đang hạ nhiệt và nhu cầu sẽ chậm lại. Các công ty đang tiêu tốn lượng tiền mặt dự trữ cùng với chi phí đầu vào cao. Hóa đơn năng lượng tăng vọt, sự hỗ trợ của chính phủ sau đại dịch không còn và các khoản trả nợ cũng đã đến hạn phải thanh toán.
Tác động đối với các doanh nghiệp và người lao động là một thực tế lạnh lùng. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể mang lại lợi ích tích cực. Đó là quá trình sàng lọc tự nhiên theo học thuyết Darwin, song vẫn có rủi ro.
Đầu tiên, nếu các “công ty zombie” phá sản là lan sang các công ty lớn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đó sẽ là vấn đề đáng lo ngại. Thứ hai, thị trường vốn tư nhân đã tham gia hỗ trợ các công ty, do đó khó đánh giá mức độ rủi ro đòn bẩy hơn. Thứ ba, nhiều công ty hoạt động kém hiệu quả vẫn có thể tồn tại khi được tái cấp vốn trước thời điểm lãi suất lên cao.
Cho đến nay, căng thẳng tài chính tập trung ở các doanh nghiệp có đòn bẩy cao nhất trong các ngành bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và xây dựng. Ở Anh, các doanh nghiệp nhỏ – có ít tác động mang tính hệ thống hơn – đang báo cáo nguy cơ mất khả năng thanh toán cao hơn các công ty lớn. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn cần tăng cường giám sát thị trường tư nhân để phát hiện rủi ro. Trên hết, quá trình tái cơ cấu cần đảm bảo các công ty có thể rút lui êm đẹp. Thời gian càng kéo dài, áp lực lên doanh nghiệp và nền kinh tế càng lớn.
Đối với những “công ty xác sống”, nếu lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài – đặc biệt so với thập kỷ trước – thì ít nhất vốn sẽ bắt đầu chảy nhiều hơn vào những doanh nghiệp lớn nhất. Với hoạt động khởi nghiệp vẫn sôi động, đó là điều cần nắm bắt, không phải để sợ hãi.