Việt Nam có hơn 3.200km đường bờ biển với những bãi cát đẹp và vùng nước ven bờ mang giá trị đa dạng sinh học cao. Cũng từ đây, các khu bảo tồn biển (KBTB) và Vườn Quốc gia (VQG) có biển đã được thành lập, hình thành mạng lưới gồm 11 khu và sẽ được mở rộng đến 27 KBTB vào năm 2030. Vẻ đẹp của các KBTB thường nằm sâu dưới làn nước, trong rạn san hô, thảm cỏ biển hay còn được gọi là “rừng nhiệt đới” dưới biển.
Mỗi KBTB trên dải đất hình chữ S đều có những nét đẹp đặc trưng: từ KBTB Hòn Cau (Binh Thuận), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) hay KBTB Cù Lao Chàm (Quảng Nam) với các rạn san hô đa dạng, phong phú bậc nhất, đến VQG Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu)
VQG Núi Chúa (Ninh Thuận) với những bãi cát là nơi các loài rùa biển lên đẻ trứng, hay KBTB Cồn Cỏ (Quảng Trị), KBTB Lý Sơn (Quảng Ngãi) – với các hệ sinh thái đặc trưng, nơi giao thoa của giá trị vị thế, cảnh quan, địa chất và đa dạng sinh học.
Hay vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang) có thảm cỏ biển với diện tích lớn nhất Việt Nam, nơi vẫn tìm thấy loài bò biển (Dugong) kiếm ăn; VQG Bái Tử Long (Quảng Ninh) hay VQG Cát Bà (Hải Phòng) và KBTB Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) là nơi có thể nhìn thấy những đàn cá heo bơi lội.
Rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn không chỉ là “ngôi nhà” của các loài sinh vật biển, mà còn là nơi cung cấp các dịch vụ như thủy sản,
du lịch, giải trí, học tập… cho hàng triệu người dân sinh sống ven biển. Tuy nhiên, các “ngôi nhà” này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và hoạt động khai thác thủy sản không bền vững. Mặc dù có nhiều nỗ lực để giảm thiểu nguy cơ đó, mạng lưới 11 KBTB của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Công việc nghiên cứu và giám sát môi trường biển đang được các KBTB, VQG thực hiện một cách chặt chẽ để hiểu rõ hơn về sinh thái và nhu cầu bảo vệ của từng loài và sinh cảnh của chúng. Từ đó, các biện pháp từ vĩ mô đến vi mô để cuốn hút cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường biển đảo đã được đề xuất và thực hiện. Trong đó, du lịch xanh được xem là một trong những phương cách để vừa hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế vừa gìn giữ được ngôi nhà chung cho các loài sinh vật biển cũng như cho chính loài người.
Tạp chí Heritage