Trò cũ hòng “lùa gà”
Thời gian qua, một số hội nhóm trên mạng xã hội Facebook có đăng tải, chia sẻ một số hình ảnh mua bán lan đột biến với giá cao, lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng/cm. Tuy nhiên, đưa ra bình luận trước những hình ảnh trên mạng xã hội, nhiều người thẳng thắn nêu quan điểm cho rằng đó chỉ là chiêu trò “phông bạt” mà một số nhà vườn bày ra để “lùa gà” lần cuối.
Anh Quyết Đức Năm – người dân sống tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) chia sẻ, thời điểm sốt lan đột biến những năm trước, ở đây có rất nhiều người đầu tư vào mua bán lan. Sau đó, có một số người “trúng”, nhưng cũng có rất nhiều người thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần.
“Trước kia, tôi có một số bạn bè họ cầm cố cả sổ đỏ nhà để đầu tư vào lan đột biến, nhưng sau đó sập rồi thì bán cắt lỗ không kịp, thành ra nợ nần. Vì vậy, khi có thông tin mua bán lan đột biến giá cao gần đây, tôi cảm thấy lo lắng những hệ lụy tiêu cực kể trên sẽ tái diễn” – anh Năm chia sẻ.
Với anh Lê Hữu Hoàng – người dân sống tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, anh Hoàng là một trong số ít những người “trúng” lan đột biến vì đầu tư vào thời điểm đầu “cơn sốt” và dừng lại đúng lúc. Tuy nhiên, trước những thông tin giao dịch lan hàng chục, hàng trăm triệu đồng/cm thời gian gần đây, anh Hoàng khẳng định sẽ đứng ngoài cuộc.
“Sau đợt sốt lan đột biến vào khoảng năm 2021, chứng kiến nhiều người thua lỗ, nợ nần, tôi mới thấy mình may mắn như thế nào khi dừng lại đúng lúc. Bây giờ, chơi lan đột biến là để thỏa đam mê, giao lưu buôn bán đúng giá thị trường, còn nếu thổi giá lên như ngày xưa thì chỉ là thiểu số và không ai tin” – anh Hoàng nhận định.
Tất cả đều đang dưới 10 triệu đồng/cm
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Duy Quý – Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam cho biết, theo khảo sát, tất cả các loại lan đột biến trên thị trường hiện tại có giá không vượt quá 10 triệu đồng/cm. Hiệp hội cũng đã có chỉ thị yêu cầu các nhà vườn không thổi giá lan đột biến.
Theo ông Quý, lan đột biến nói riêng và cây hoa lan của Việt Nam có rất nhiều giống đẹp và quý hiếm, tiềm năng để phát triển nghề trồng hoa lan là rất lớn. Tuy nhiên, để sự phát triển đó được bền vững, cần ngăn chặn tình trạng thổi giá và các hành vi giả mạo, lừa đảo khi mua bán loại hoa này.
“Chúng tôi cũng cảnh báo người mua bán lan cần tìm hiểu kỹ lưỡng, nên mua các chậu hoa có nguồn gốc, có cam kết với người tiêu dùng. Có thể thấy, người chơi lan đột biến đang tự sàng lọc, vì việc lừa đảo, “lùa gà” sẽ không có kết quả gì, người ta chỉ trả giá một lần thôi” – ông Quý chia sẻ.
Không chỉ vậy, chính quyền và các cơ quan chức năng cũng đang ra sức tuyên truyền, cảnh báo người dân cảnh giác trước những thông tin, hình ảnh giao dịch lan đột biến có dấu hiệu được thổi giá trên mạng xã hội gần đây.
Gần đây nhất vào cuối tháng 2.2024, UBND huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản số 220 gửi các phòng, ban đơn vị thuộc huyện; Công an huyện; UBND các xã, thị trấn về việc cảnh giác trước hiện tượng thổi giá lan đột biến trên thị trường.
Văn bản nêu rõ, để kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của hiện tượng trên, UBND huyện yêu cầu các phòng, đơn vị; UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến và khuyến cáo nhân dân cảnh giác với hiện tượng nêu trên, không để các đối tượng xấu lợi dụng ảnh hưởng của mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản của nhân dân như đã từng xảy ra trước đây; Đồng thời, giao Công an huyện tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các hội, nhóm trên mạng xã hội, đặc biệt là các tài khoản đưa tin không đúng sự thật; kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.