Đây là một sự kiện quan trọng dành cho các lãnh đạo cấp cao của các Chính phủ, các nhà quản lý công trong lĩnh vực Du lịch, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên UNWTO tổ chức sự kiện quan trọng này tại một trường đại học là Đại học (ĐH) Duy Tân, Việt Nam.
Phục hồi sau đại dịch, ngành Du lịch đang khan hiếm nhân lực cấp quản lý
Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên là lớn nhất chính là Du lịch. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát thì Du lịch cũng chính là lĩnh vực được phục hồi, phát triển trở lại mạnh mẽ nhất. Bởi đối với con người, nhu cầu được đi tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu về thế giới muôn màu và tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển là luôn thường trực.
Ông Harry Hwang – Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNWTO cho biết: “Du lịch thế giới đã phục hồi 84% so với mức trước đại dịch tính đến 7 tháng đầu năm 2023. Trung Đông chứng kiến sự phục hồi tốt nhất với lượng khách vượt mức 20% trước đại dịch. Tại châu Á – Thái Bình Dương, khu vực từng dẫn đầu về phát triển và tăng trưởng du lịch toàn cầu, lượng khách đến đã tăng lên 61% so với mức trước đại dịch nhờ việc mở cửa trở lại của nhiều điểm đến và thị trường nguồn từ đầu năm nay.
Những số liệu này cho thấy du lịch thế giới đang trên đà phục hồi gần như hoàn toàn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang ở trong tình thế khó khăn khi phải đối mặt rất nhiều thực trạng có ảnh hưởng lớn. Đặc biệt trong số đó là tình trạng thiếu nhân lực đang ngày một trầm trọng hơn khi nguồn nhân lực bị sa thải trong đại dịch đã chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực kinh doanh khác. Làn sóng di dời hàng loạt của người lao động khỏi ngành du lịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong lĩnh vực này”.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Việt Nam Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Triển khai nhiều kế hoạch phục hồi du lịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt sau đại dịch với trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Bền vững, Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận khi đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế trong 10 tháng đầu năm 2023.
Du lịch được phục hồi 69% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt qua mục tiêu ban đầu đề ra là 8 triệu lượt cho cả năm. Để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới này, chúng ta cần nhìn nhận và tư duy lại về du lịch theo hướng bền vững và tự cường, quan tâm hơn đến tăng trưởng xanh và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý điểm đến.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò thiết yếu của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, ở cấp quản lý. Hội thảo Đào tạo cấp Quản lý chính sách và Chiến lược du lịch lần thứ 17 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức trong 3 ngày tại Đà Nẵng với nhiều bài thuyết trình của các chuyên gia, diễn giả đầu ngành và chia sẻ từ các quốc gia thành viên trong khu vực, tôi kỳ vọng chúng ta cùng phục hồi và phát triển ngành Du lịch châu Á – Thái Bình Dương mạnh mẽ và tự cường hơn“.
Vì mục tiêu phát triển du lịch khu vực, đại biểu 19 quốc gia hội tụ về ĐH Duy Tân
Ngay trong phiên khai mạc Hội thảo, Harry Hwang – Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNWTO đã khẳng định: “Trở lại Đà Nẵng sau 7 năm, tôi vô cùng ấn tượng về một đất nước Việt Nam tươi đẹp. Càng ấn tượng bởi sự chuẩn bị và sắp xếp vô cùng chu đáo cho hội thảo này. Việc tổ chức Hội thảo Đào tạo cấp Quản lý Chính sách & Chiến lược Du lịch là vô cùng cần thiết và tôi tin tưởng rằng, những thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của các lãnh đạo, chuyên gia sẽ góp phần giải quyết các thách thức về thiếu hụt nguồn lao động mà ngành du lịch đang phải đối mặt trong thời điểm hậu đại dịch“.
Với nhiều đóng góp trong việc đào tạo nguồn nhân lực Du lịch chất lượng cao và là trường đại học duy nhất của Việt Nam đạt kiểm định TedQual của UNWTO cho 2 chương trình:
- Quản trị Khách sạn Quốc tế
- Quản trị Nhà hàng Quốc tế
ĐH Duy Tân đã được chọn là đơn vị đồng tổ chức cho Hội thảo Đào tạo cấp Quản lý Chính sách và Chiến lược lần này.
- Các vấn đề nổi cộm trong phát triển Du lịch tại Hội thảo như:
- Giáo dục vì ngành Du lịch tương lai,
- Thay đổi trong kỳ vọng của khách hàng và những tác động tới phát triển nguồn nhân lực du lịch,
- Nâng cao kỹ năng và khả năng thích ứng kỹ thuật số trong ngành Du lịch,
- Xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn trước khủng hoảng,
- …
đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp từ 49 đại biểu, bao gồm các lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như: Afghanistan, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Iran, Sri Lanka, Nepal, Myanmar, Việt Nam,…
TS Lê Nguyên Bảo – Hiệu trưởng ĐH Duy Tân chia sẻ: “Đây là hội thảo quốc tế đầu tiên UNWTO tổ chức tại Việt Nam và cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại một trường đại học trên thế giới. Bởi vậy, với ĐH Duy Tân chúng tôi, đây là một vinh hạnh rất lớn. Với tư cách là một cơ sở giáo dục, chúng tôi luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động.
Thông qua Hội thảo lần này, tôi hy vọng chúng ta sẽ tìm được những câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề ‘Làm thế nào để xây dựng một chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn quốc tế trong ngành du lịch’. Bên cạnh đó, hợp tác chính là chìa khóa then chốt dẫn đến thành công. Vì vậy, tôi hy vọng hội thảo sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác bền vững giữa các bên liên quan từ chính phủ đến doanh nghiệp đến nhà trường, để chúng ta sẽ đạt được mục tiêu quan trọng là phục hồi và phát triển ngành du lịch thành công hơn nữa“.