Rạng sáng 19/9 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. (Nguồn: AP) |
Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020.
Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 18/9, Fed cho biết đã quyết định cắt giảm lãi suất xuống phạm vi 4,75% – 5,00% trên cơ sở những diễn biến lạm phát gần đây.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đánh giá cơ quan này đã có thêm niềm tin rằng lạm phát đang trên lộ trình ổn định hướng tới mức mục tiêu 2%.
Ngân hàng cũng cho biết sẽ sẵn sàng điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ trong trường hợp rủi ro xuất hiện có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu về lạm phát và việc làm của cơ quan này.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng đưa ra tín hiệu có thể giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Tiếp đó, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025 và giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2026.
Fed cũng nâng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vào cuối năm 2024 lên mức 4,4%, từ mức 4% đưa ra vào tháng 6/2024.
Theo các chuyên gia, việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của cơ quan này về thị trường lao động Mỹ.
Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí đi vay, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình, trong khi tăng trưởng tiền lương trung bình hiện đang nhanh hơn mức tăng giá cả do lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể.
Lạm phát của Mỹ đã giảm xuống còn 2,5% trong tháng 8/2024 từ mức đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gần đây đã tăng lên 4,2%.
* Ngay sau hành động của Fed, vài giờ sau, tại Hong Kong (Trung Quốc), ngày 19/9, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau 4 năm. HKMA đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm xuống còn 5,25%.
HKMA dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo về động thái lãi suất vào sáng nay (19/9). Một chu kỳ lãi suất giảm sẽ có lợi cho được các doanh nghiệp và người đi vay thế chấp đang gặp khó khăn tại Hong Kong.
Căng thẳng địa chính trị, lãi suất cao và đồng nội tệ mạnh đã khiến nhiều người Hong Kong di chuyển sang Trung Quốc đại lục để mua sắm và ăn uống, khiến một số nhà hàng và cửa hàng ở Hong Kong phải đóng cửa.
Trong quý II/2024, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hong Kong đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 2,8%).
HKMA đã “đi theo” chính sách tiền tệ của Fed kể từ năm 1983 theo hệ thống tỷ giá hối đoái liên kết – duy trì tỷ giá cố định của đồng đôla Hong Kong với đồng USD.
Hong Kong tăng lãi suất cơ bản 5 lần từ tháng 9/2022 đến tháng 7/2023, lên mức cao nhất kể từ năm 2007.
Lãi suất tại BOCHK, HSBC và công ty con Hang Seng Bank được ấn định ở mức 5,875%;
Lãi suất tại Standard Chartered, Bank of East Asia, Citigroup, CCB Asia và các tổ chức cho vay khác là 6,125%.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lan-dau-tien-sau-4-nam-fed-ha-lai-suat-mot-co-quan-tien-te-nhanh-chong-theo-chan-286824.html