Ngày 3.10, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, lần đầu tiên bệnh viện ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên cho bệnh nhân ung thư với sự hỗ trợ của Bệnh viện Truyền máu huyết học.
Theo TS-BS Lưu Hùng Vũ, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nữ bệnh nhân T.T.B (60 tuổi) được chẩn đoán mắc đa u tủy giai đoạn 3 (bệnh lý hủy xương toàn thân) và đã được nhập viện điều trị vào tháng 4.2023.
Bệnh nhân được chỉ định điều trị hóa trị 4 chu kỳ theo phác đồ. Sau đó, Bệnh viện Ung bướu đã hội chẩn với Bệnh viện Truyền máu huyết học và chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được dùng thuốc kích thích sản sinh tế bào gốc tạo máu ngoại vi và được chuyển sang Bệnh viện Truyền máu huyết học lấy tế bào gốc, lưu trữ… May mắn chỉ lấy 1 lần bệnh nhân đã đạt đủ số tế bào gốc để truyền.
“Sau 2 tuần lấy tế bào gốc và lưu trữ, bệnh nhân nhập viện trở lại khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Trước khi ghép 1 ngày, bệnh nhân được truyền hóa chất liều cao. Vào ngày 8.9, bệnh nhân được truyền tế bào gốc qua đường tĩnh mạch. Bệnh nhân được chăm sóc kỹ về dinh dưỡng, điều trị”, TS-BS Lưu Hùng Vũ chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Vũ, sau 21 ngày, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy lượng bạch cầu, hồng cầu bình thường nhưng tiểu cầu giảm. Bệnh nhân đã được chuyển từ phòng ghép ra ngoài. Đến thời điểm này ca ghép coi như gần thành công, ngày 6.10, bệnh viện sẽ kiểm tra lại quá trình ghép lần nữa.
“Phương pháp hóa trị liều cao và ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị bệnh lý ác tính. Hiện có 4 đơn vị tại TP.HCM thực hiện được kỹ thuật này, gồm: Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Ung Bướu”, TS-BS Lưu Hùng Vũ thông tin thêm.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ tiếp tục cử ê kíp chuyên môn đi học tập nhằm hoàn thiện thêm kỹ thuật ghép tế bào gốc, từ đó, triển khai rộng rãi kỹ thuật này trong điều trị các bệnh lý huyết học như đa u tủy, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin.