Ông Võ Văn Tuấn – phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang – đánh giá đây là cơ hội quý giá khi sinh viên được học thông qua thực hành, thực chiến tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Sáng 30-12, báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Văn Lang khai giảng khóa 1 chương trình hợp tác đào tạo giữa hai đơn vị. 400 sinh viên đại học chính quy ngành quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện bắt đầu học tập hai môn nhiếp ảnh và thẩm định tin tức tại báo Tuổi Trẻ.
Cơ hội cho sinh viên
Chia sẻ với sinh viên về mô hình đào tạo mới này, TS Võ Văn Tuấn – phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang – nói rằng lễ khai giảng là khởi đầu hợp tác đào tạo giữa hai cơ quan. Mô hình này là cầu nối giữa lý thuyết và thực tế trong lĩnh vực báo chí truyền thông.
Ông cũng cho rằng sinh viên chương trình này rất may mắn khi được tiếp cận những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Từ đó sinh viên có cơ hội trải nghiệm, thực chiến với những người làm truyền thông chuyên nghiệp.
“Ngành quan hệ công chúng Trường đại học Văn Lang đã có 15 khóa sinh viên tốt nghiệp. Đây là khóa may mắn nhất khi được học tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Hai bên đã làm việc tích cực để có kết quả hợp tác này.
Chúng tôi đánh giá đội ngũ giảng viên của báo Tuổi Trẻ không chỉ có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn mà còn có đầy đủ nghiệp vụ và bằng cấp đáp ứng yêu cầu của một giảng viên đại học theo quy định” – ông Tuấn nói thêm.
Trao đổi với sinh viên, nhà báo Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho rằng đây là cột mốc mới cho sinh viên khi học tập, thực hành ở một cơ quan truyền thông. “Sinh viên được ra sân thi đấu với tư cách cầu thủ.
Ngoài học ở trường lớp, các bạn được thực hành thường xuyên với các hoạt động thực chiến chứ không chỉ học lý thuyết hàn lâm. Thầy cô đứng lớp không chỉ có phóng viên nhiều kinh nghiệm, biên tập viên mà còn có lãnh đạo tòa soạn, ban biên tập”.
“Chúng tôi không chỉ dạy kỹ năng nghề nghiệp mà còn hướng dẫn các bạn xử lý tình huống thực tế. Báo Tuổi Trẻ xác định đào tạo sinh viên báo chí truyền thông và quan hệ công chúng là hoạt động chuyên nghiệp như công việc làm báo của chúng tôi suốt 50 năm qua.
Do đó sinh viên sẽ được thực chiến hằng ngày, thực hành những kiến thức đã học được, giúp tích lũy kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc sau này” – ông Trung nói thêm.
Học – hỏi – hành
Việc thay đổi không gian học tập vừa tạo cho sinh viên sự hứng khởi nhưng cũng không ít băn khoăn. Sinh viên Bích Chi đặt vấn đề việc học lý thuyết và thực hành ở báo có khác gì với ở trường không?
Giải đáp băn khoăn của sinh viên, nhà báo Bùi Tiến Dũng – trưởng ban giáo dục kiêm giám đôc Trung tâm đào tạo báo Tuổi Trẻ – cho biết trường và báo đã có thảo luận rất lâu trước khi thống nhất nội dung đào tạo, đảm bảo đạt chuẩn, tuân thủ quy định về chương trình đào tạo đại học.
Về cơ bản chương trình đào tạo tại báo dựa vào chương trình của trường, báo có sự điều chỉnh theo hướng tăng cường thực hành, kỹ năng cho sinh viên.
“Tuy nhiên học tại báo sẽ có nhiều điểm khác so với học tại trường. Điểm khác biệt đầu tiên đó là không gian học tập.
Sinh viên được “nhúng” vào không gian truyền thông, học tại tòa soạn hội tụ, các phòng ban, học tại sự kiện, hiện trường. Điểm khác biệt nữa là các bạn học thông qua làm. Học xong có sản phẩm, được sử dụng trên báo.
Các bạn sinh viên với góc nhìn trẻ trung, mới mẻ và sáng tạo sẽ có nhiều sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ và có nhuận bút. Ba chữ quan trọng mà chúng tôi xác định khi đào tạo đó là Học – Hỏi – Hành”, ông Dũng giải thích thêm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, nhà báo Lê Xuân Trung cho biết bên cạnh những khác biệt trên, sinh viên được học kỹ năng, xử lý tình huống và những gì phía sau các tình huống đó. Từ đó sinh viên có thể hình dung những việc khi ra trường, góp phần định hướng công việc sau này.
Sinh viên cũng thắc mắc vấn đề đánh giá trong quá trình học, liệu có sự khác biệt nào so với trường hay không. Về vấn đề này, nhà báo Bùi Tiến Dũng cho biết báo tuân thủ các quy định về đánh giá, các cột điểm thành phần của trường. Tuy nhiên báo không tổ chức thi kết thúc môn. Bài thi giữa kỳ và cuối kỳ được đánh giá dựa trên các sản phẩm thực tế của sinh viên.
Tham quan tòa soạn chuyển đổi số
Trong khuôn khổ lễ khai giảng, giảng viên khoa quan hệ công chúng Trường đại học Văn Lang đã tham quan tòa soạn chuyển đổi số của báo Tuổi Trẻ.
Ông Võ Văn Tuấn – phó hiệu trưởng, trưởng khoa quan hệ công chúng Trường đại học Văn Lang – cho biết phòng làm việc của tòa soạn được thiết kế hiện đại theo không gian mở, tiện nghi, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và hợp tác giữa các thành viên của tòa soạn và sinh viên.
Các phòng thu âm và quay phim rất hiện đại giúp sinh viên thuận lợi trong việc thực hành sản xuất các nội dung sản phẩm theo yêu cầu.
Thiết bị công nghệ, phần mềm và các thiết bị ghi âm, ghi hình chất lượng cao giúp sinh viên có thể thực hành và nâng cao kỹ năng theo chuẩn chương trình học; có không gian tương tác rất tốt cho các hoạt động nhóm, thảo luận và tổ chức sự kiện, giúp sinh viên có cơ hội giao lưu và học hỏi từ các chuyên gia của tòa soạn.
“Tòa soạn chuyển đổi số của báo Tuổi Trẻ rất hiện đại, phù hợp với nhu cầu của người học, chương trình học, và đảm bảo rất tốt các yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng sinh viên lĩnh vực báo chí và truyền thông” – ông Tuấn bày tỏ.
Một số hình ảnh khác của lễ khai giảng và học tập sáng 30-12:
Nguồn: https://tuoitre.vn/lan-dau-tien-400-sinh-vien-truong-dai-hoc-van-lang-hoc-tai-toa-soan-bao-tuoi-tre-20241230115944693.htm