(Dân trí) – Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp, song đây là lần đầu Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp, để bàn giải pháp phát triển đất nước.
Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng có nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp trong và ngoài nước, song, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là lần đầu Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp.
Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân – động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 45% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%.
Ông cũng nhắc đến đóng góp của đội ngũ doanh nghiệp trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 và vượt qua các khó khăn, thách thức để khôi phục kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, các hoạt động an sinh xã hội với truyền thống “tương thân tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.
Thủ tướng chia sẻ ông cảm nhận rất rõ sự tham gia của các doanh nghiệp trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ qua siêu bão Yagi vừa rồi.
Nhấn mạnh “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay”, Thủ tướng cho biết đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mới, nên ông mong các doanh nghiệp tiếp tục cùng đất nước phát triển, với tinh thần “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển”.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp” để nói lên kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ cùng cả nước tạo đột phá phát triển.
Thủ tướng cho biết tại Hội nghị Trung ương 10, Trung ương đã thảo luận về những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới, như đột phá thể chế, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới; xây dựng những công trình hạ tầng chiến lược, biểu tượng phát triển đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; triển khai các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu như sắp xếp dân cư, di dân tại các địa bàn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ứng phó hạn mặn, sụt lún, sạt lở tại ĐBSCL…
Đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược, theo người đứng đầu Chính phủ.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam được Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước như: phải tăng trưởng xanh, bền vững; thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Vì thế, tại Hội nghị này, Thường trực Chính phủ muốn được lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị giải pháp tháo gỡ.
Thường trực Chính phủ cũng sẽ lắng nghe chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn của doanh nghiệp để cùng tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước, nhằm đạt được mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.