Cụ thể, trong tổng số 31.581 di tích thành phần, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Trong 5.683 di tích cơ sở tôn giáo, 3.912 di tích (69%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ, số di tích còn lại không báo cáo.
Còn 25.898 di tích khác, 11.412 di tích (44%) có số liệu thu, chi. Số còn lại chủ yếu là di tích tư nhân, nhà thờ dòng họ không báo cáo và các di tích đặc thù không có công đức, tài trợ (di tích là địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử, phố cổ, nhà cổ, văn chỉ, địa điểm khảo cổ, hang động).
Các di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không có số liệu thu, chi công đức, tài trợ.
Theo kết quả kiểm tra, tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.
Cũng theo báo cáo, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỷ đồng (chiếm 75%). Trong đó, có 63 di tích thu trên 5 tỷ đồng (28 di tích thu trên 10 tỷ đồng).
Có 7 di tích thu trên 25 tỷ đồng, gồm: Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang (220 tỷ đồng); Đền Bảo Hà ở Bảo Yên, Lào Cai (71 tỷ đồng); Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa – Vũng Tàu (34 tỷ đồng); Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa (28 tỷ đồng); Đền Hùng ở Phú Thọ (26 tỷ đồng) và 2 di tích ở Hà Nội là Đình La Khê ở Hà Đông (28 tỷ đồng) và Đền trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) ở Mỹ Đức 33 tỷ đồng.
Số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo là 1.038 tỷ đồng (25%).
Báo cáo cũng nêu 7 tỉnh, thành phố có tổng thu từ các di tích đạt trên 200 tỷ đồng. Đó là Hà Nội (672 tỷ đồng), Hải Dương (278 tỷ đồng), An Giang (277 tỷ đồng), (Bắc Ninh) 269 tỷ đồng, Hưng Yên (242 tỷ đồng) và Nam Định (215 tỷ đồng).
Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu của năm 2023 trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng. Có 9 tỉnh, thành phố thu trên 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng…
Tổng số chi từ tiền tài trợ, công đức trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng (một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang). Đối với số tiền còn dư đến cuối năm 2023, được chuyển sang năm 2024 để tiếp tục sử dụng cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội.
Việc lần đầu tiên thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên toàn quốc, thời gian kiểm tra vào dịp sau Tết Nguyên đán năm 2024 và mùa lễ hội trong cả nước đã giúp các địa phương có cơ sở thực tiễn để đánh giá toàn diện về hoạt động này.
Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt Nam, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mặc dù còn nhiều di tích chưa báo cáo, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, nhưng với tổng số thu 4.100 tỷ đồng trong năm 2023 (không bao gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo) cho thấy người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội.
Trước năm 2023, nước ta chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý tiền công đức trong cả nước. Một số địa phương ban hành văn bản quy định đối với các di tích cấp tỉnh; một số địa phương ban hành văn bản áp dụng đối với di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Còn lại, đa số các địa phương không có văn bản quy định về hoạt động này; việc quản lý chủ yếu là theo thông lệ, theo truyền thống và đặc điểm riêng của mỗi cơ sở di tích.
Từ năm 2023, Bộ Tài chính ra Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Từ đó, đa số các địa phương đã xây dựng và ban hành văn bản quy định về quản lý tiền công đức, tài trợ, bảo đảm phù hợp với thực tế của từng di tích và phong tục, tập quán của địa phương.
Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn. Do đó, tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa là nguồn tài chính quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nguồn: https://www.congluan.vn/lan-dau-cong-bo-tong-kiem-tra-quan-ly-tien-cong-duc-tren-toan-quoc-post300966.html