Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự hội nghị, trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh.
Theo Quy hoạch được công bố, Quy hoạch tỉnh Thái Bình xác định tư duy phát triển mới, tầm nhìn dài hạn; đề ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050 là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng này, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ, môi trường sinh thái được bảo đảm.
Quy hoạch tỉnh xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế – xã hội, 3 hành lang kinh tế, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và 6 nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới xây dựng tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp, trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng…
Trong đó, Quy hoạch tỉnh xác định mở ra không gian phát triển mới của tỉnh thông qua hoạt động “lấn biển”, phát triển kinh tế hướng biển, tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển; mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp – đô thị – dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn.
Quy hoạch tỉnh cũng xác định xây dựng hệ thống đô thị ở tỉnh đồng bộ, hiện đại với TP Thái Bình là đô thị hạt nhân, là một trong những đô thị lớn của vùng, trở thành đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng”, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại; thành phố cảnh quan hai bên bờ Trà Lý.
Quy hoạch tỉnh cũng xác định tỉnh sẽ phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi; phát triển công nghiệp dược – sinh học, sân bay chuyên dụng, đường sắt…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Thái Bình tuân thủ đúng định hướng và giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đồng bộ Quy hoạch tỉnh với hệ thống quy hoạch cấp dưới và các kế hoạch đã đề ra, “thấu hiểu” quy hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải nhìn nhận Quy hoạch tỉnh đã cụ thể hóa khát vọng phát triển của tỉnh; yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh khẩn trương phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; từ đó tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt Quy hoạch; phân bổ nguồn lực thực hiện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt; quan tâm giải quyết tốt các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện dự án trên địa bàn.
Ông kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu Quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó quan tâm đầu tư vào Thái Bình trong thời gian tới.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cam kết chính quyền tỉnh sẽ đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư vào tỉnh, với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Thái Bình là tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Bắc Bộ, rộng hơn 1.570 km2, có ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển Đông; bờ biển dài 54 km; có 1 thành phố, 7 huyện, dân số trên 1,8 triệu người. Khu vực ven biển của tỉnh hiện có Khu kinh tế Thái Bình, được thành lập năm 2017, rộng hơn 30 nghìn ha, thuộc địa bàn 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải. Tại Khu kinh tế này hiện có các Khu công nghiệp Tiền Hải, Liên Hà Thái, Hải Long, với nhiều dự án kinh tế đã và đang được triển khai.