Để lan tỏa hơn nữa hệ sinh thái sống động với đa dạng cây trồng, vật nuôi cùng sinh trưởng hài hòa, thân thiện trong môi trường thiên nhiên tái tạo, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục phát huy lợi thế so sánh về thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật và bề dày kinh nghiệm canh tác ở vùng nông thôn mới, qua đó áp dụng các cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả và kịp thời hơn, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn chuỗi giá trị toàn cầu.
Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại nông sản Phong Thúy, huyện Đức Trọng sử dụng phụ phẩm sản xuất, sơ chế, chế biến rau, củ, quả làm thức ăn chăn nuôi bò siêu thịt đạt giá trị kinh tế cao |
• PHÁT TRIỂN NHANH NHƯNG CHƯA RỘNG
Theo Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM), sản xuất nông nghiệp hữu cơ toàn cầu năm 2003 có khoảng 26 triệu ha đất, đạt giá trị 25 tỷ USD, chiếm 2% trong tổng doanh thu nông nghiệp. Đến năm 2022, tăng lên gần 75 triệu ha, tương ứng 136,4 tỉ USD. Tại Việt Nam, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ 36.285 ha năm 2012 tăng lên 76.666 ha năm 2015. Số địa phương tăng từ 7 tỉnh, thành trước năm 2011, đến năm 2020 tăng 43 tỉnh, thành.
Đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, giai đoạn 2019 – 2021, tiêu biểu mô hình sản xuất rau hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị do Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam tổ chức triển khai tại địa bàn TP Hà Nội, có tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Đồng Nai. Kết quả xây dựng 4 hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu đều tăng lợi nhuận so với giải pháp sản xuất thông thường. Cụ thể tăng các tỷ lệ hơn 68 % (liên kết doanh nghiệp – nông dân); từ 36,5 – 61,8% (liên kết hợp tác xã – nông dân); 22,7% (tổ hợp tác – nông dân); hơn 156,% (trang trại – nông dân). “So với ngoài mô hình, năng suất rau hữu cơ đạt thấp hơn 20-30%, nhưng lợi nhuận cao hơn từ 10-15%. Các nông hộ xung quanh còn mở rộng diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ thêm khoảng 10 ha/điểm/năm…”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh thông tin.
Với nông nghiệp tuần hoàn, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khái niệm là phương thức sản xuất nông nghiệp theo một chu trình khép kín mà ở đó chất thải, phế phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Đến nay, nông nghiệp tuần hoàn trong cả nước còn khá mới, chỉ phát triển ở một số trang trại, nông hộ và doanh nghiệp như: “Mô hình sản xuất rau tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại nông sản Phong Thúy, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thu gom các phụ phẩm rau, củ, quả làm thức ăn nuôi bò. Chất thải nuôi bò được xử lý làm phân bón trở lại cho rau, củ, quả. Đặc biệt, lượng nước mưa từ các nhà plastic đưa vào hồ chứa tập trung để tưới cho rau, củ, quả tại chỗ”…
Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn phổ biến hơn nữa trong cả nước, Cục Trồng trọt cho rằng “Cần hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Bởi các chính sách này mới chỉ tập trung sản xuất, chưa áp dụng nhiều đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu như: khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh; người sản xuất giống, phân bón, chế phẩm sinh học; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ quy hoạch vùng canh tác hữu cơ, tuần hoàn…”.
• CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA CHO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU
Các chuyên gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên nhấn mạnh, nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiêu chuẩn IFOAM với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm chất lượng an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Căn cứ vào đó, Viện đã xây dựng mô hình canh tác điều hữu cơ ở huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng do Công ty Cổ phần Visimex Sài Gòn chủ trì chuỗi liên kết giá trị toàn cầu tại các xã Đạ Lây, Đạ Pal, Mỹ Đức, Triệu Hải, Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng vào năm 2020. Đến nay, Công ty Cổ phần Visimex Sài Gòn đã chuyển giao quy trình trồng 500 ha điều hữu cơ cho 350 nông hộ trên địa bàn các xã này áp dụng. Đồng thời, bao tiêu sản phẩm điều hữu cơ với giá cao hơn 3.000 – 4.000 đồng/kg so với giá thị trường…
Ở phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng, sau gần 3 năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đã xác định 171 vùng và ban hành 17 quy trình tạm thời, cấp 35 Giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích gần 1.415 ha đa dạng vật nuôi, cây trồng. Trong đó tập trung tại các địa bàn Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt (rau, củ, quả, phúc bồn tử, nấm, bò sữa); Cát Tiên, Đạ Tẻh (lúa, nếp quýt, cây ăn quả, điều); Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Bảo Lộc (chè, cà phê, mắc ca).
Bên cạnh đó, qua rà soát toàn tỉnh nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn đạt hiệu quả đáng kể. Đó là Công ty TNHH Dalat Hasfarm mô hình thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ 200 ha trồng hoa, rau tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. Qua đó, hàng năm tái chế khoảng 35.000 – 36.000 m3 phụ phẩm, tương ứng 12.000 – 12.500 tấn phân hữu cơ. Tại HTX Trùn quế Đơn Dương, mỗi năm sử dụng phụ phẩm rau, củ, quả làm thức ăn nuôi 1.000 m2 trùn quế, đạt 140 tấn phân bón, cung cấp 14 ha cây trồng, doanh thu 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng Trần Văn Tuận, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Lâm Đồng hiện chủ yếu áp dụng mô hình trang trại tổng hợp tự phát. Trong khi đó doanh nghiệp thu mua chất thải nông nghiệp còn ít, mới chỉ dừng lại tái sử dụng cho cây trồng tại trang trại; sản xuất phạm vi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao… “Riêng giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh xác định 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ với diện tích 18.980 ha. Trên cơ sở đó, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương và từng loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, tập trung nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ đầu tư vào sản xuất hữu cơ…”, Giám đốc Trần Văn Tuận nói.
Tính ra với diện tích 1.415 ha/18.890 ha được cấp Chứng nhận hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi ở vùng nông thôn mới Lâm Đồng vẫn còn nhiều dư địa. Thiết nghĩ theo phóng viên, để tiếp tục nhân rộng tạo hệ sinh thái sống động môi trường nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn trong toàn tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị toàn cầu, trong thời gian tới cần gắn kết chặt chẽ, “tương tác” hiệu quả hơn nữa giữa các nhóm giải pháp trọng tâm tuyên truyền và vận động; khuyến khích đầu tư với liên kết; hỗ trợ với giám sát; cơ cấu vật nuôi, cây trồng với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; trồng trọt phục vụ chăn nuôi và chăn nuôi phục vụ trồng trọt; sản xuất và xúc tiến thương mại; đào tạo nghề gắn với phát triển sản xuất cho lao nộng nông thôn…